Địa hình phong phú và đa dạng đã tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ và thiên nhiên, có giá trị du lịch cao. Một số danh thắng quốc gia như thác Bản Giốc – Ngườm Ngao, huyện Trùng Khánh; Động Hạng Sơ, huyện Hạ Lang; Hồ Thang Hen, huyện Trà Lĩnh; Vườn quốc gia Phia Oắc – Pia Đén, huyện Nguyên Bình...
Thực hiện chắc năng, nhiệm vụ được giao, năm 2016 Sở TN&MT tỉnh Cao Bằngbáo cáo đề xuất UBND tỉnh Cao Bằng đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 – 2020 và được phê duyệt tại Quyết định số 1442/QĐ-UBND ngày 24/8/2016.
Cuối năm 2016, tỉnh Cao Bằng hoàn thiện hồ sơ khoa học Công viên địa chất non nước Cao Bằng trình UNESCO xem xét công nhân danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu. Đồng thời, mời chuyên gia tư vấn cao cấp thuộc Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu để khảo sát, tư vấn đối với dự án xây dựng, phát triển Công viên địa chất non nước Cao Bằng theo tiêu chí đối với Công viên Địa chất toàn cầu UNESSCO.
Cùng với sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong nước, nước ngoài và sự quyết tâm cao, tháng 6 năm 2017, tỉnh Cao Bằng hoàn thành việc xây dựng 3 tuyến du lịch trong vùng Công viên địa chất tiêu biểu các phía Tây, Bắc, Đông như “Khám phá Phia Oắc – Vùng núi của những thay đổi”; “Hành trình về cội nguồn”; “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”.
Sự nỗ lực xây dựng, phát triển Công viên non nước Cao Bằng được các chuyên gia thẩm định đánh giá cao. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xem xét công nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO đối với Công viên địa chất non nước Cao Bằng tại Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 204 tổ chức tại Pa-ri (Pháp) vào tháng 4 năm 2018.
Ngày 24/11/2018, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESSCO Non nước Cao Bằng; làm nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội theo hướng bền vững; bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản.
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng rộng gần 3.300km², trải dài trên địa bàn 9 huyện, có trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, có giá trị tầm cỡ quốc tế với các tháp, nón đá vôi, thung lũng, hang động, hệ thống hồ - sông - hang ngầm liên thông. Không chỉ có các đặc điểm địa chất độc đáo, đây còn là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 200 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 23 di tích cấp quốc gia và là căn cứ địa của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến.Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc bảo tồn và phát huy các tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng.
Với những giá trị di sản đặc sắc của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Sở TN&MT tỉnh Cao Bằng đang đề nghị Bộ TN&MT bình xét sự kiện năm 2018 theo các tiêu chí quy định.
Đây là danh hiệu thứ 38 mà Việt Nam được UNESCO công nhận và là Công viên địa chất toàn cầu thứ hai của Việt Nam tiếp sau Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; công viên Địa chất toàn cầu thứ 8 ở Đông Nam Á.