Đây là lối sản xuất tôn trọng tự nhiên, hứa hẹn sẽ mang đến sự phát triển bền vững trong nông nghiệp, tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng suất ổn định. Lâu dài, khi nền nông nghiệp hữu cơ có chỗ đứng vững chắc, nhu cầu ăn no đủ sẽ được đáp ứng và xa hơn là ăn ngon, ăn sạch. Người nông dân cũng sẽ có thu nhập cao hơn nhờ bán ra sản phẩm có chất lượng cao.
Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ lần đầu tiên hệ thống hóa các quy định về nông nghiệp hữu cơ, đồng thời đưa ra nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ không dùng chất hóa học tổng hợp
Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là sản xuất hữu cơ) là hệ thống quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, người nông dân, chủ cơ sở sản xuất phải đảm bảo nhiều nguyên tắc quan trọng. Đó là: Không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, tránh trường hợp con người và môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại, giảm thiểu ô nhiễm ở nơi sản xuất và môi trường chung quanh. Nông nghiệp hữu cơ không sử dụng công nghệ biến đổi gen, phóng xạ và công nghệ khác có hại cho sản xuất hữu cơ.
Sản phẩm hữu cơ phải được bên thứ ba chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trong sản xuất sản phẩm hữu cơ.
Đặc biệt, người sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải đối xử với động vật, thực vật một cách có trách nhiệm và nâng cao sức khỏe tự nhiên của chúng.
Nhiều ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Để khuyến khích nông nghiệp hữu cơ phát triển nhằm hướng đến nền nông nghiệp bền vững, thuận tự nhiên, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất theo hướng hữu cơ.
Ngoài các chính sách đã ban hành, Chính phủ đưa ra một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ.
Đó là sẽ hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ: Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt; Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại); Hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ: định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông; Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN: định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với mô hình trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.
“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia“Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”