Phân tích chuyên ngành phục vụ điều tra cơ bản địa chất và thăm dò khoáng sản

Mai Đan| 06/08/2020 13:25

(TN&MT) - Chuyên ngành phân tích thí nghiệm là một bộ môn quan trọng không thể thiếu trong công tác thăm dò, tìm kiếm khoáng sản và điều tra cơ bản địa chất.

Trang thiết bị đáp ứng tiến độ và chất lượng

Nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đã và đang được đầu tư cho các phòng thí nghiệm các kỹ thuật viên được đào tạo bài bản đã góp phần vào sự phát triển của công tác phân tích thí nghiệm.

Để nâng cao chất lượng công tác phân tích chuyên ngành phục vụ điều tra cơ bản địa chất và thăm dò khoáng sản, ngày 4/4/2014, Nghị quyết số 43-NQ/ĐU của Đảng ủy Tổng cục đã ra đời nhằm tập trung năng lực phân tích cho một số Trung tâm phân tích trọng điểm theo khu vực và một số Trung tâm phân tích chuyên đề.

Đánh giá về thực trạng chất lượng công tác phân tích, ông Đỗ Mai Huỳnh, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Những năm gần đây, ngoài phòng thí nghiệm của Trung tâm được xây dựng mới tương đối đạt là tiêu chuẩn phòng thí nghiệm còn một số phòng thí nghiệm của các Liên đoàn cũng đã được nâng cấp cải tạo bằng nguồn vốn tự có cho phù hợp bảo đảm vệ sinh an toàn lao động, còn một số phòng thí nghiệm sử dụng các nhà, phòng làm việc được xây dựng lâu năm.

Các phòng thí nghiệm này không phải xây dựng chuyên dụng cho công việc phân tích mẫu, lắp đặt thiết bị phân tích và gia công, lưu mẫu, nhiều phòng đã cũ và xuống cấp không đảm bảo cho phân tích chính xác.

Trang thiết bị phân tích thí nghiệm và điều kiện làm việc theo chủ trương của lãnh đạo và nghị quyết của Đảng ủy Tổng cục về tập trung chuyên môn cho các lĩnh vực trong đó có phân tích. “Vì thế việc đầu tư các trang thiết bị cho phân tích đặc biệt cho các phương pháp phân tích hiện đại, độ chính xác cao chỉ tập trung cho 2 trung tâm lớn: Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất và Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất - Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam. Phân tích chuyên đề (xạ hiếm..) đặt tại Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm. Hầu hết các trang thiết bị này đều đã làm việc hết công suất, đáp ứng được tiến độ, chất lượng của các đề án địa chất” - ông Đỗ Mai Huỳnh nhận định. Trong điều kiện khó khăn về ngân sách nên một số phòng thí nghiệm cũng đã cố gắng đầu tư một phần cơ sở vật chất kỹ thuật, phòng thí nghiệm trong vốn nội bộ để phục vụ cho đơn vị nhưng rất nhỏ. Do vậy những phòng này khó đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng tiến độ.

Về việc thực hiện các quy trình, quy định quản lý chất lượng, ông Đỗ Mai Huỳnh cho biết: Các phòng thí nghiệm trong ngành địa chất và khoáng sản đã có hệ thống các văn bản, quy trình liên quan tới công tác phân tích thí nghiệm mẫu địa chất, khoáng sản và môi trường.

Các quy định kỹ thuật, quy trình phân tích được đúc kết sau mấy chục năm lao động, của nhiều thế hệ cán bộ làm công tác phân tích thí nghiệm mẫu địa chất, hệ thống 126 quy trình, 4 quy định này phù hợp với trình độ công nghệ, cơ sở vật chất của các phòng thí nghiệm trong lĩnh vực phân tích mẫu địa chất, khoáng sản rắn...

Hệ thống các quy trình phân tích của ngành trong quá trình phát triển đã tăng lên không ngừng thành các bộ tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn ngành và TCVN góp phần tăng cường nâng cao chất lượng.

Cần phát triển và ứng dụng những thiết bị hiện đại nhất nhằm nâng cao chất lượng công tác phân tích trong điều tra cơ bản địa chất và thăm dò khoáng sản. Ảnh minh họa

Giải pháp nâng cao chất lượng phân tích

Trong thời gian tới với yêu cầu cao hơn cho công tác phân tích địa chất, khoáng sản và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản đã chỉ rõ nhiệm vụ “Xây dựng chuyên ngành điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản ở mức hiện đại, đủ năng lực tìm kiếm, phát hiện mỏ mới với độ sâu 1.000 m nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện tiềm năng khoáng sản trên đất liền, ở đáy biển và thềm lục địa của đất nước”.

Theo ông Đỗ Mai Huỳnh, để thực hiện tốt nhiệm vụ này ngành phân tích cần phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong từng phương pháp kỹ thuật kể cả công tác thu thập tài liệu tại thực địa gia công và phân tích. Kiểm tra độ lặp lại của các kết quả phân tích. Việc kiểm tra được thực hiện đảm bảo tính chính xác và nghiêm túc trong công tác phân tích thí nghiệm.

Hệ thống quản lý chất lượng đòi hỏi ngày càng cao, đảm bảo độ tin cậy liên kết công nhận lẫn nhau trên diễn đàn quốc tế, do đó các phòng thí nghiệm trong ngành cần được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017.

Ông Đỗ Mai Huỳnh cho rằng cần đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ yêu nghề, lao động sáng tạo, có trình độ khoa học, chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, lập trường chính trị vững vàng.

Đồng thời, phát triển và ứng dụng những thiết bị mới nhất, hiện đại, công nghệ cao đạt tiêu chuẩn thế giới.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu xây dựng và chế tạo một số mẫu chuẩn là một trong các nhiệm vụ thực hiện hiệu quả, công tác này hỗ trợ đắc lực trong quản lý, kiểm soát chất lượng.

Sau 6 năm thực hiện theo chủ trương giảm bớt được một số phòng, đến nay trong toàn Tổng cục còn 7 phòng thí nghiệm bao gồm: Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất; Trung tâm Phân tích (Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam); Trung tâm Phân tích (Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc); Phòng Phân tích (Liên đoàn Địa chất Đông Bắc); Phòng Phân tích (Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển); Trung tâm Phân tích (Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ); Trung tâm Phân tích (Liên đoàn Địa chất Xạ Hiếm).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân tích chuyên ngành phục vụ điều tra cơ bản địa chất và thăm dò khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO