Căn hộ bình dân dường như đã “vắng bóng”
Hiện tại, giá căn hộ hạng C tại TP.HCM với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 ngày càng khan hiếm, gần như không có và ngay cả căn hộ có giá khoảng 30 triệu đồng/m2 cũng dần hiếm hoi. Các dự án căn hộ hạng C tại TP.HCM được phân bổ ở các khu vực xa trung tâm như: quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh… với khoảng giá trung bình cũng từ 30 - 35 triệu đồng/m2. Đơn cử, tại quận 6, căn hộ trung cấp 2 phòng ngủ có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2). Hiện nay, căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25-30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội (NOXH) thì nguồn cung cũng rất ít, nên hầu như vắng bóng trên thị trường BĐS tại TP.HCM trong hai năm qua.
Phân khúc căn hộ hạng sang thi nhau "mọc lên" trong khi phân khúc căn hộ bình dân lại khan hiếm trên thị trường |
Theo HoREA, từ năm 2017 trở về trước căn hộ hạng B và hạng C là phân khúc dẫn dắt thị trường khi chiếm tới 70-80% tổng nguồn cung căn hộ thì đến năm 2018 - 2019 đã khan hiếm nguồn cung căn hộ hạng C, còn từ đầu năm 2020 đến nay đã gần như không có căn hộ bình dân ra thị trường nữa. Các phân khúc nhà ở tại TP.HCM đang sát lập mặt bằng giá mới. Nhiều người có nhu cầu thực cho rằng, họ khó có cơ hội sở hữu nhà tại TP.HCM với mức giá khoảng 45 triệu đồng/m2. Nguồn cung khan hiếm khiến không ít chủ đầu tư có xu hướng dạt ra các tỉnh lân cận thành phố đầu tư dự án mới, trực tiếp đẩy giá nhà ở những khu vực này lên cao.
Cũng theo HoREA, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn TP.HCM chỉ có 26 dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 15.087 căn. Trong đó, có 5.339 căn hộ cao cấp có giá bán trên 40 triệu đồng/m2 và 9.585 căn hộ trung cấp giá bán từ 20 - 40 triệu đồng/m2. Phân khúc nhà ở bình dân có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 vô cùng khan hiếm, chỉ có 163 căn. Trong khi cùng kỳ năm trước, nguồn cung căn hộ bình dân trên thị trường là 12.366 căn. Riêng tháng 10/2020, trong 6 dự án (tổng số 8.365 căn hộ) đủ điều kiện huy động vốn, phân khúc trung cấp chiếm tỷ lệ đến 94,4% và phần còn lại là căn hộ cao cấp. Như vậy, phân khúc căn hộ bình dân dường như đã “vắng bóng” trên thị trường BĐS.
Cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn
Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Trọng Hoàng cho rằng: “Những năm qua, một số doanh nghiệp tư nhân đã xây dựng nhà ở thương mại giá thấp để bán nhưng chưa thành một xu thế vì tỉ suất lợi nhuận quá thấp. Trong khi làm nhà ở cao cấp tỉ suất lợi nhuận rất cao, làm thương hiệu qua nhà ở cao cấp nhanh nhất. Vì vậy, cần cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở thương mại giá thấp, vừa túi tiền với đa số người dân.
Ngoài ra, nhiều dự án BĐS bị vướng pháp lý, thủ tục hành chính cũng kéo dài, nhiều dự án mất 3-5 năm để hoàn thiện, chi phí lãi vay của doanh nghiệp bị đội lên rất lớn. Còn đô thị và nhà ở đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp nhiều khó khăn trong phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường, dự án dừng lại nên khan hiếm nguồn cung”.
Người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ngày càng xa vời khi ước mơ sở hữu được nhà ở vừa túi tiền tại đô thị |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định: “Giai đoạn 2018-2020, thị trường BĐS tại TP.HCM sụt giảm mạnh về nguồn cung, quy mô dự án khiến cho một bộ phận người thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại đô thị và người nhập cư gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở. Do đó, cần có chế, chính sách phù hợp hơn để giảm giá nhà ở và thu hút đầu tư nhiều dự án nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhiều dự án NOXH để đáp ứng nhu cầu về nhà ở rất lớn của đông đảo người có thu nhập trung bình".
"Những năm gần đây, chính quyền TP.HCM luôn khích lệ doanh nghiệp ưu tiên phát triển nhà ở phân khúc bình dân để tạo điều kiện người thu nhập thấp sở hữu nhà ở. Song, thực tế cho thấy, nguồn cung dự án nhà ở vừa túi tiền rất ít, luôn trong tình trạng "cháy hàng". Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà lần đầu và doanh nghiệp đầu tư nhà diện tích nhỏ vừa túi tiền", ông Lê Hoàng Châu đề xuất thêm.