Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã có văn bản số 1909/BVHTTDL-DSVH về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia. Theo đó, bộ này yêu cầu các địa phương tổ chức xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia sau khi trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các địa phương cần lưu ý có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia.
Đối với bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích (chuông, bia đá, tượng…), các địa phương phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa các cơ quan hữu quan trong việc bảo vệ; phân định rõ tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm chính, không giao khoán cho cá nhân trực tiếp trông coi di tích.
Ngoài ra, việc bảo quản đối với từng bảo vật quốc gia phải được lập thành phương án cụ thể, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Việc thực hiện phải tuân thủ quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản và có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ của các tổ chức khoa học, các chuyên gia về bảo quản căn cứ theo từng loại hình, chất liệu, tình trạng của bảo vật quốc gia.
Gần đây nhất, ngày 27/4/2019, Bảo vật quốc gia là tác phẩm hội họa “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã được đoàn chuyên gia của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nhận định là hư hại khá nhiều “cả phần xác lẫn phần hồn”sau khi làm vệ sinh một cách cẩu thả.