Phân bón Cà Mau đặt nhà máy sản xuất thứ 2 tại tỉnh Bình Định
Với việc chứng minh sức hút, tiềm năng dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) vừa được UBND tỉnh Bình Định trao Chứng nhận đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024.
Lễ tuyên dương đã diễn ra trọng thể tại hội trường UBND tỉnh với sự hiện diện của lãnh đạo tỉnh, đại diện Phân bón Cà Mau - Phó Tổng Giám đốc Trần Chí Nguyện tham dự và nhận Giấy Chứng nhận đầu tư.
Phân bón Cà Mau sẽ triển khai Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau cơ sở Bình Định với quy mô 3ha, vốn đầu tư 120 tỷ đồng; tăng cường sản lượng phục vụ thị trường cả nước và mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu kinh doanh quốc tế. Đây cũng là một bước tiến trong ba mũi chiến lược: Đầu tư, Phát triển bền vững và Chuyển đổi số mà Công ty tập trung năm nay.
Đóng đô tại KCN Long Mỹ, TP. Quy Nhơn, nhà máy thứ 2 của Phân bón Cà Mau có chức năng sản xuất, phối trộn các loại phân bón cao cấp như NPK+TE công suất 50.000 tấn/năm; đóng gói thành phẩm 50.000 tấn/năm các loại phân bón khác cũng như lưu trữ, kinh doanh phân bón/nguyên vật liệu sản phẩm phân bón khoảng 150.000 tấn/năm.
Ngoài tiềm năng, hiệu quả tác động và các yếu tố khác, Dự án của Phân bón Cà Mau được địa phương chấp thuận khi phù hợp với định hướng thu hút đầu tư vào công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Nhà máy cơ sở Bình Định sẽ tiếp nối cung ứng các dòng phân bón chất lượng cao, tăng lợi ích của nhà nông nhưng giảm tác động vào môi trường để góp phần giảm phát thải khí nhà kính, phát triển nông nghiệp Net Zero.
Hơn 12 năm sản xuất liên tục, nhà máy Đạm Cà Mau luôn đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định, tuân thủ chặt chẽ các quy định, tiêu chuẩn môi trường, đạt nhiều chứng nhận danh dự liên quan. Gần nhất là “Top 10% nhà máy có mức tiêu hao năng lượng thấp nhất thế giới” do Haldor Topsoe công nhận.
Bình Định là tỉnh có tiềm năng kinh tế - xã hội nhất nhì Nam Trung Bộ. Triển khai nhà máy thứ 2 tại đây, Phân bón Cà Mau sẽ có thêm nhiều thuận lợi để phát huy thế mạnh, mở rộng thị trường, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, hợp tác địa phương phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.