Doanh nghiệp - doanh nhân

Phân bón Cà Mau: Bước đi của "Người nuôi dưỡng" nông nghiệp Việt

PV 17/06/2024 - 15:47

Vượt qua thách thức đón cơ hội, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) không ngừng phát triển đa dạng sản phẩm, chú trọng các dòng phân bón ứng dụng khoa học công nghệ cao. Để hiện thực hóa sứ mệnh “Người nuôi dưỡng” nông nghiệp Việt, PVCFC đã sớm tập trung cho công tác nghiên cứu phát triển, nâng cao công suất nhà máy, mở rộng hợp tác với các đối tác uy tín trong và ngoài nước.

Hợp tác với công ty kỹ thuật hóa dầu lớn nhất Trung Quốc

Trong hành trình hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, Phân bón Cà Mau không ngừng phát triển nhờ nỗ lực toàn diện các mặt: Quản trị, chiến lược, sản xuất, kinh doanh, đầu tư, văn hóa doanh nghiệp và con người. Từng bước hoàn thiện sứ mệnh cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững, Phân bón Cà Mau có định hướng phát triển đa dạng sản phẩm, chú trọng các dòng phân bón ứng dụng khoa học công nghệ cao, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và nền nông nghiệp nước nhà.

buoc-di-cua-nguoi-nuoi-duong-nong-nghiep-viet-20240611103651.jpg
Công tác bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau

Để hoàn thiện sứ mệnh này, PVCFC đã sớm tập trung cho công tác nghiên cứu phát triển, nâng cao công suất nhà máy, thực hiện dự án mới và tăng cường hợp tác với các đối tác uy tín trong và ngoài nước. Sau thời gian nghiên cứu, nhận thấy cơ hội đồng hành, ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc PVCFC và ông Triệu Đào - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công trình Ngũ Hoàn Trung Quốc (Wuhuan Engineering Co., Ltd) đã ký kết hợp tác, cùng mở rộng tiềm năng phát triển.

PVCFC và Wuhuan Engineering Co., Ltd chính thức hợp tác phát triển ba mảng việc chính: Nghiên cứu thị trường để phát triển sản phẩm; nghiên cứu dự án nâng công suất Nhà máy Đạm Cà Mau; PVCFC cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, vận hành cho các dự án mới do Wuhuan Engineering Co., Ltd thực hiện.

Ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc PVCFC cho hay, Wuhuan Engineering từ lâu là đối tác tin cậy, uy tín của PVCFC. Đây là một trong những công ty kỹ thuật hóa dầu lớn nhất Trung Quốc, có năng lực cao về thiết kế kỹ thuật và EPC, cùng nhiều kinh nghiệm dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa dầu như phân đạm, phân lân, lưu trữ và vận chuyển LNG cũng như vật liệu mới. Trước đó, Wuhuan Engineering là tổng thầu Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau.

Tổng Giám đốc PVCFC ông Văn Tiến Thanh chia sẻ, “Kiến tạo giá trị bền vững hơn, thịnh vượng hơn” chính là phương châm hành động trong năm 2024 và suốt quá trình phát triển của Phân bón Cà Mau. Với định hướng đóng góp phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững, PVCFC xác lập 3 mũi chiến lược chính cần tập trung trong năm 2024 là: Đầu tư, phát triển bền vững và chuyển đổi số. Nhận định về thách thức và đón đầu cơ hội, công ty bảo đảm lợi ích hài hòa của nhà đầu tư và khách hàng.

Hành trình 13 năm hình thành và phát triển, Phân bón Cà Mau đã và đang chứng minh sứ mệnh lớn lao là “Người nuôi dưỡng” với nông nghiệp Việt Nam, vững mạnh vươn ra thế giới.

Tìm kiếm, mở rộng thị trường Đông Nam Á

Đối với thị trường Đông Nam Á, từ lâu PVCFC đã là một doanh nghiệp lớn tại khu vực, có công nghệ hàng đầu và không ngừng hướng đến sản xuất xanh, bền vững, thân thiện môi trường. Tại Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Phân bón Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

buoc-di-cua-nguoi-nuoi-duong-nong-nghiep-viet-20240611103650.jpg
Đoàn công tác PVCFC thăm dây chuyền sản xuất của Công ty Sino - Argi Potash

Phân bón Cà Mau hiện đã xuất khẩu sang 4 thị trường tại khu vực này, bao gồm Thái Lan, Myanmar, Indonesia và Campuchia. Trong đó, Campuchia hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của PVCFC với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%.

Ngoài kết quả vững vàng 60% thị phần khu vực Tây Nam Bộ, chiếm giữ đến 60% thị phần phân bón của cả nước, Phân bón Cà Mau lần lượt mở rộng tiềm năng trên 20 quốc gia, lãnh thổ, góp phần gia tăng vị thế nông nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.

Trong chuyến làm việc với đối tác quốc tế mới đây, sau khi tham dự Hội nghị Phân bón Quốc tế thường niên Singapore 2024, đoàn công tác của PVCFC đã làm việc với Công ty Sino - Agri Potash tại Lào. Đây là công ty con của Công ty Đầu tư Quốc tế Asia-Potash, nhà cung cấp phân kali hàng đầu thế giới, đã hoạt động tại Lào hơn 11 năm. Đoàn PVCFC đi thị sát thị trường nhằm tìm hiểu khả năng cung ứng/nhu cầu giao thương của đối tác tại Lào, đồng thời quảng bá thương hiệu Phân bón Cà Mau và mở rộng liên kết chuỗi tại thị trường Đông Nam Á.

Quy mô thị trường phân bón Đông Nam Á ước tính đạt 10,77 tỉ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 12,69 tỉ USD vào năm 2029, tốc độ tăng trưởng kép là 4,20% giai đoạn 2024-2029. Nông nghiệp là ngành chính của hầu hết các nước trong khu vực. Các quốc gia đang mở rộng lĩnh vực này thông qua đa dạng hóa nông nghiệp, nhu cầu về phân bón tiếp tục tăng. Một số nước có nguồn tài nguyên nguyên liệu thô như khí đốt tự nhiên đã phát triển và mở rộng cơ sở sản xuất phân bón, trong khi một số nước vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu. Sản xuất phân urea chiếm ưu thế trong ngành phân bón của khu vực, do có sẵn nguồn tài nguyên khí đốt tự nhiên lớn. Việt Nam và Indonesia nằm trong số những nước tiêu thụ urea lớn nhất. Tăng trưởng tiêu dùng chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu urea làm phân bón bón trực tiếp. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng urea ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua.

Với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, kênh phân phối; đẩy mạnh xuất khẩu và kinh doanh quốc tế; chú trọng đến tiếp thị truyền thông trên các nền tảng kỹ thuật số, Phân bón Cà Mau đã chiếm lĩnh thị phần tại tất cả các thị trường trong nước, chiếm thị phần và sự tin yêu của bà con các nước bạn. Phân bón Cà Mau hiện đang sở hữu: Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy NPK Cà Mau, vừa hoàn thành chuyển nhượng Nhà máy NPK Hàn Việt… Đồng thời sở hữu bộ giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng: Từ các dòng phân bón đơn, như Đạm Cà Mau, Urea bio Cà Mau, DAP Cà Mau, Kali Cà Mau, cho tới dòng sản phẩm phân bón NPK Cà Mau chất lượng cao - công nghệ poly phosphate, sản xuất trên dây chuyền tiên tiến tiêu chuẩn châu Âu.

Nhờ triết lý kinh doanh minh bạch và chú trọng tới các giá trị cốt lõi, Phân bón Cà Mau hiện đang sở hữu hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp, không chỉ trải dài từ Bắc vào Nam, mà còn xác lập thị phần nhất định ở nước ngoài và đang hướng tới xây dựng hệ thống phân phối bền vững ở Đông Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân bón Cà Mau: Bước đi của "Người nuôi dưỡng" nông nghiệp Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO