Doanh nghiệp - doanh nhân

Petrovietnam: Xây dựng lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi

Khôi Nguyên 21/09/2023 15:32

Petrovietnam có tiềm năng, thế mạnh, có năng lực sản xuất thiết bị, có kinh nghiệm hoạt động ngoài biển. Do đó, bối cảnh chuyển dịch năng lượng nhanh và mạnh mẽ, Petrovietnam đã chủ động xây dựng lộ trình phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi (ĐGNK) và hydro một cách kịp thời, cùng với đó, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án, sẵn sàng làm chủ công nghệ để nắm bắt cơ hội trong tương lai.

Sẵn sàng cho chuyển dịch năng lượng

Theo nhận định của các chuyên gia, trong 10 đến 20 năm tới, việc phát triển ĐGNK là xu hướng không thể đảo ngược. Với việc đa số các quốc gia trên thế giới đều cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào khoảng năm 2050 - 2060, ĐGNK chắc chắn sẽ có thêm nhiều cơ hội, động lực để phát triển mạnh hơn nữa.

dien-gio-ngoai-khoi-la-nguon-nang-luong-sach-dong-vai-tro-quan-trong-trong-co-cau-nang-luong-toan-cau.jpg
Điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu

Việt Nam là nước có tiềm năng ĐGNK, ước tính lên tới 600GW, tức 600 nghìn MW. So với công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện quốc gia nước ta hiện nay khoảng trên 75 nghìn MW, tiềm năng ĐGNK gấp khoảng 8 lần. Quy hoạch điện VIII được thông qua đặt ra mục tiêu cụ thể cho ĐGNK, đến năm 2030 đạt công suất 6GW hoặc hơn, chiếm 4% tổng cơ cấu nguồn điện và có thể đạt công suất 70 - 91,5GW; năm 2050, chiếm 14,3 - 16% tổng cơ cấu nguồn điện. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có mục tiêu phát triển ĐGNK kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác để sản xuất năng lượng mới hydro, amoniac xanh, cũng như xuất khẩu ĐGNK sang các nước khác. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng.

Để khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, trụ cột của nền kinh tế, mang sứ mệnh tiên phong, mở đường trong lĩnh vực năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng, Petrovietnam đã chủ động chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất đáp ứng cho cuộc chuyển dịch năng lượng. Cụ thể, Petrovietnam đã định hướng xu hướng dịch chuyển sang năng lượng xanh thông qua nâng cao tỷ trọng khí, sản xuất Hydrogen và phát triển ĐGNK. Cùng với đó, từ năm 2019, Petrovietnam tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm đánh giá về cơ hội triển khai các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi… Năm 2021, Petrovietnam phối hợp với Equinor nghiên cứu đánh giá tiềm năng phát triển ĐGNK tại Việt Nam và có văn bản đề xuất vị trí khảo sát ĐGNK đến các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thái Bình và Hải Phòng.

petrovietnam-to-chuc-hoi-thao-ve-chien-luoc-nghien-cuu-phat-trien-lam-chu-cong-nghe-nang-luong-tai-tao-ngoai-khoi..jpg
Petrovietnam tổ chức Hội thảo về chiến lược nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Một số đơn vị thành viên trong Tập đoàn cũng khẩn trương vào cuộc, điển hình là Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Đơn vị này đã đặt mục tiêu đưa ĐGNK trở thành dịch vụ kinh doanh cốt lõi, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty; làm chủ về công nghệ thiết kế; làm nhà cung cấp hàng đầu dịch vụ kỹ thuật tại Việt Nam và trong khu vực; trở thành nhà đầu tư/nhà phát triển lớn trong lĩnh vực ĐGNK tại Việt Nam.

Đặc biệt, mới đây, PTSC được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao Quyết định về việc chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (giấy phép khảo sát) để chuẩn bị cho việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore. Với việc được trao giấy phép khảo sát, PTSC hiện là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án ĐGNK nói riêng và năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung. Sự kiện này cũng thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với Petrovietnam và các đơn vị thành viên trong lĩnh vực mới mẻ này tại Việt Nam.

Phát huy nội lực khẳng định vị trí tiên phong

ĐGNK là nguồn năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu. Để có thể phát triển ĐGNK quy mô lớn, các doanh nghiệp dầu khí đóng vai trò hết sức quan trọng. Là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí với địa điểm hoạt động trên biển là chính, Petrovietnam và các đơn vị thành viên có nhiều kinh nghiệm, đầy đủ nhân lực và các thiết bị chuyên dụng để thực hiện các công việc chuyên ngành ngoài biển khơi. Petrovietnam đã có cơ sở vật chất và nhân sự chuyên môn hóa để thiết kế, chế tạo các cấu kiện, thiết bị cho ngành Dầu khí, hoàn toàn có thể sử dụng cho ĐGNK.

phat-trien-nang-luong-tai-tao-ngoai-khoi-petrovietnam-lanh-an-tien-phong1.jpeg
Phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi Petrovietnam lãnh ấn tiên phong

Hiện Petrovietnam đang quản lý và vận hành hệ thống gồm các cảng dịch vụ trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với tổng diện tích gần 400ha, việc Petrovietnam tham gia vào lĩnh vực ĐGNK của Việt Nam sẽ tận dụng tối đa hạ tầng công nghiệp đã đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước. Bên cạnh đó, Petrovietnam hiện đang sở hữu các khu căn cứ thi công chế tạo công trình dầu khí tại Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Thanh Hóa với điều kiện cơ sở vật chất, cảng bãi, kho hàng, thiết bị cẩu kéo, thiết bị nâng hạ và các máy móc thiết bị cơ sở khác… Các cơ sở này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu cho các dự án điện gió ngoài khơi. Một số đơn vị của Petrovietnam như: PTSC, Vietsovpetro, PVTrans... hiện đang sở hữu, quản lý đội tàu dịch vụ gần 100 chiếc, đa dạng về công suất và chủng loại được vận hành hoàn toàn bởi đội ngũ thuyền viên Việt Nam có năng lực, giàu kinh nghiệm có thể đáp ứng tốt các dự án ĐGNK.

Đặc biệt, trong giai đoạn khởi động, khảo sát, Petrovietnam là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam có các dữ liệu địa chất đáy biển quốc gia được thu thập và lưu trữ trong quá trình khảo sát, tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Petrovietnam có năng lực cần thiết để cung cấp các dịch vụ khảo sát (khảo sát đáy biển, khảo sát kỹ thuật vật lý…) là các hạng mục công việc thực hiện thường xuyên trong hoạt động dầu khí và nghiên cứu tiền khả thi dự án ĐGNK.

Chủ tịch HĐTV PetroVietnam ông Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định, PetroVietnam có nhiều thuận lợi để triển khai phát triển ĐGNK nhờ tiềm lực tài chính tốt, khả năng thu xếp vốn thuận lợi với hệ số tín nhiệm cao và có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính xanh, vốn vay lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài cũng như các ưu đãi khác của Chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế ủng hộ phát triển năng lượng xanh, sạch... Với năng lực, kinh nghiệm cũng như tiềm năng, lợi thế đang có, Petrovietnam và các đơn vị thành viên chắc chắn sẽ trở thành đơn vị tiên phong và đạt được thành công trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam.

Để đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững, Ban lãnh đạo Petrovietnam đã sớm đề ra định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo đó, đến năm 2030 phấn đấu nâng tổng công suất đặt nguồn điện đạt 8.000 - 14.000MW và tỷ trọng nguồn điện tái tạo chiếm 5 - 10% tổng công suất đặt của Petrovietnam. Đến 2045, Petrovietnam phấn đấu nâng công suất đặt chiếm 8 - 10% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam và tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo chiếm 10 - 20% trong tổng công suất nguồn điện Petrovietnam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Petrovietnam: Xây dựng lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO