Doanh nghiệp - doanh nhân

Petrovietnam giữ vai trò quan trọng trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030

Mai Anh 04/03/2024 - 12:27

Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược này.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng thời, tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

gian-cntt220231020135612.jpg
Petrovietnam phải tăng cường tìm kiếm, thăm dò và khai thác các nguồn khí trong nước để cung cấp cho các ngành công nghiệp, đảm bảo phát triển theo Chiến lược đã đề ra

Mục tiêu cụ thể của chiến lược là đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 170 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 260 - 280 triệu TOE.

Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15 - 20% năm 2030 và 65 - 70% năm 2045.

Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105 - 115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160 - 180 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 400 - 420 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 250 - 280 kgOE/1.000 USD GDP.

Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu xăng dầu cả nước; phấn đấu mức dự trữ xăng dầu đạt 75 - 80 ngày nhập ròng sau năm 2030. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 15 - 20 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 10 - 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7 - 10% vào năm 2030 và khoảng 14 - 20% vào năm 2045. Cùng với đó, việc giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15 - 35% vào năm 2030, lên mức 70 - 80% vào năm 2045.

Đối với ngành Dầu khí, định hướng phát triển tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như:

Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, sẽ tập trung đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; nâng cao hệ số thu hồi, tận thu các mỏ nhỏ, khối sót cận biên; Rà soát, chủ động và triển khai hiệu quả trong các dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài;

Tập trung đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò tại các khu vực nước nông, truyền thống: các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai - Thổ Chu, sông Hồng, đặc biệt 03 khu vực: bể Cửu Long, Mã Lai - Thổ Chu, Nam bể sông Hồng và Trung tâm bể Nam Côn Sơn; song song với công tác tận thăm dò, thăm dò mở rộng đối tượng truyền thống nhằm bổ sung trữ lượng và đưa vào phát triển khai thác sử dụng hệ thống hạ tầng cơ sở có sẵn dần chuyển hướng nghiên cứu thăm dò các đối tượng tìm kiếm thăm dò mới, các bể trầm tích mới và các dạng hydrocarbon phi truyền thống (tầng chứa chặt sít, khí than, khí nông, khí đá phiến sét, khí hydrate,…) để bổ sung trữ lượng phục vụ khai thác lâu dài;

Tiếp tục mở rộng thăm dò tại khu vực nước sâu, xa bờ như khu vực bể Phú Khánh, bể Tư Chính - Vũng Mây,…; Tiến hành đo đạc khảo sát, thu thập các số liệu địa chấn - địa vật lý để nghiên cứu đặc điểm cấu trúc địa chất và đánh giá tiềm năng dầu khí tại khu vực nước sâu, xa bờ khi điều kiện thuận lợi.

Đối với dầu khí đá phiến, khí hydrate (băng cháy): tích cực nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về địa chất và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để mở rộng phạm vi khảo sát; sớm triển khai đánh giá tổng thể, đẩy nhanh khai thác thử nghiệm khi điều kiện cho phép.

Trong công tác khai thác, cần thực hiện tốt công tác quản lý các mỏ dầu khí, tối ưu và duy trì khai thác có hiệu quả các mỏ dầu khí đã đưa vào khai thác. Phát triển và đưa các mỏ đã có phát hiện dầu khí vào khai thác hợp lý và có hiệu quả để sử dụng tài nguyên dầu khí trong nước lâu dài, tập trung tại các khu vực tiềm năng như nước sâu xa bờ, đối tượng dầu khí phi truyền thống; Nghiên cứu xây dựng phương án hợp tác, cơ chế khai thác chung tại những vùng chồng lấn;

Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các giải pháp nâng cao thu hồi dầu tại các mỏ; Thúc đẩy phát triển, khai thác mỏ nhỏ/cận biên áp dụng công nghệ mới, kết nối để sử dụng tối đa cơ sở hạ tầng đã đầu tư và chính sách khuyến khích của Nhà nước;

Tiếp tục triển khai công tác phát triển, đưa vào khai thác cùng với việc triển khai công tác tận thăm dò các dự án khí Lô B, mỏ khí Cá Voi Xanh, các mỏ thuộc dự án khí Tây Nam và mỏ Báo Vàng, Báo Trắng; Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hai dự án khí lớn: dự án Lô B&48/95 và 52/97 và dự án Cá Voi Xanh;

Nghiên cứu sử dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên có hàm lượng CO2 cao để có được lợi ích đồng thời từ việc: sử dụng nguồn hydrocabon; sử dụng CO2 và chứng chỉ giảm phát thải (khi thị trường chứng chỉ giảm phát thải phát triển); Ứng dụng các giải pháp giảm đốt bỏ và rò rỉ khí ra môi trường và nghiên cứu tích hợp sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo.

Bên cạnh lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, trong thời gian tới sẽ phát triển lĩnh vực công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu: khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - dự trữ - phân phối khí và xuất nhập khẩu sản phẩm khí;

Thúc đẩy các dự án vận chuyển khí thiên nhiên (đặc biệt là các dự án gắn với khai thác mỏ khí Lô B, Cá Voi Xanh...), sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý nguồn khí thiên nhiên trong nước. - Phát triển thị trường tiêu thụ khí theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và từng bước hội nhập với thị trường khí khu vực và thế giới;

Triển khai đầu tư xây dựng kho cảng LNG và nhập khẩu khí thiên nhiên (LNG, nhập khẩu bằng đường ống) để phục vụ cho nhu cầu phát triển của các nhà máy điện, công nghiệp và dân dụng; Ưu tiên tìm kiếm các nguồn khí nhập khẩu thông qua việc sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có, đồng thời, thúc đẩy quan 6 hệ quốc tế để có được các nguồn nhập khẩu khí (LNG, nhập khẩu bằng đường ống) từ các nước có nguồn cung và thuận lợi về thương mại, vận tải, sẵn sàng nhập khẩu LNG từ năm 2023;

Vận hành an toàn và hiệu quả các hệ thống đường ống thu gom, vận chuyển, xử lý, chế biến khí hiện hữu; Tiếp tục khai thác, thu gom tối đa khối lượng khí từ các mỏ khí có trữ lượng lớn, đồng thời, tăng cường thu gom các mỏ khí có trữ lượng nhỏ, các mỏ biên nhằm đảm bảo thu gom tối đa các nguồn khí thông qua các đường ống sẵn có tại các bể sông Hồng, Cửu Long, Nam Côn Sơn và Mã Lai - Thổ Chu;

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh và khuyến khích các nhà thầu đầu tư xây dựng hệ thống thu gom khí ngoài khơi để kết nối với các hệ thống đường ống hiện có; Nghiên cứu triển khai xây dựng đường ống nhập khẩu khí từ các mỏ của các nước lân cận vào hệ thống đường ống hiện có và đường ống sẽ xây dựng mới trong tương lai;

Đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển mỏ, khai thác, thu gom khí bằng hệ thống đường ống tại các mỏ chưa có hệ thống thu gom, mở rộng phạm vi thu gom khí (CNG, LNG...) từ các mỏ không có khả năng thu gom khí bằng đường ống (mỏ nhỏ, mỏ cận biên, khí có hàm lượng CO2 cao,... đặc biệt là các mỏ khí đồng hành);

Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý khí, đường ống vận chuyển khí đến nhà máy xử lý khí để cung cấp khí cho trung tâm nhiệt điện, các nhà máy chế biến sâu khí, hộ tiêu thụ công nghiệp; Hoàn thiện hệ thống đồng bộ cung cấp khí thiên nhiên, LNG, CNG, LPG trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho năng lượng, phân bón, công nghiệp, giao thông vận tải và sinh hoạt dân dụng; Tiếp tục phát triển hệ thống vận chuyển đường ống khí thiên nhiên thấp áp cho nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ công nghiệp dọc tuyến ống dẫn khí, khu dân cư ở các thành phố lớn;

Tận dụng hệ thống hạ tầng vận chuyển khí để vận chuyển hỗn hợp khí thiên nhiên và hydro, amoniac hoặc sử dụng khí để sản xuất hydro ngay tại nơi có nhu cầu tiêu thụ; Đầu tư nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ hợp lý nhằm tận thu khí đang bị đốt bỏ tại các giàn khai thác, tách các sản phẩm có giá trị cao như ethane, propane/butane (LPG), condensate tại các nhà máy xử lý khí nhằm nâng cao giá trị nguồn tài nguyên dầu khí.

Trong lĩnh vực chế biến dầu khí, phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí để đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu; Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đầu tư từ xã hội để phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư;

Tập trung tích hợp lọc dầu - hóa dầu, sử dụng các công nghệ lọc dầu hiện đại để chuyển dịch linh hoạt cơ cấu sản phẩm trong tương lai theo hướng giảm sản phẩm lọc dầu, tăng sản phẩm hoá dầu, hóa chất nhằm phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng, nâng cao giá trị gia tăng cho nguyên liệu dầu khí, tạo ra các nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp trong nước, hướng tới xuất khẩu, giảm tỷ trọng nhập siêu; Duy trì vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả các nhà máy lọc hóa dầu hiện hữu, các nhà máy chế biến condensate; đa dạng hóa sản phẩm của các nhà máy;

Tập trung duy trì sự ổn định trong sản xuất, cung ứng xăng dầu, phân bón và các nguyên, nhiên liệu khác nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tính cạnh tranh, đổi mới và phát triển; Chủ động nghiên cứu các giải pháp thay thế/bổ sung nguồn nguyên liệu thiếu hụt bằng các nguồn nguyên liệu/năng lượng ổn định khác cho các nhà máy chế biến dầu khí; Thường xuyên nghiên cứu thực hiện việc đầu tư cải tiến/nâng cấp để phù hợp với xu hướng thay đổi thị trường sản phẩm cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe (như các nhà máy lọc dầu,...);

Nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm mới hóa dầu/hóa chất chuyên dụng có giá trị gia tăng cao; Tận dụng vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng đã được đầu tư để phát triển các nhà máy theo chuỗi chế biến sâu, các nhà máy và cơ sở cung cấp dịch vụ; Nghiên cứu, đầu tư xây dựng các chuỗi vận chuyển - tồn chứa - sản xuất và kinh doanh dầu thô, xăng dầu; Triển khai hoàn thành Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất;

Nghiên cứu, đề xuất và triển khai công tác đầu tư xây dựng các dự án lọc hóa dầu/hóa chất mới gắn với các trung tâm chế biến dầu khí tại các khu vực tiềm năng; Nghiên cứu sản xuất hydro, sản xuất năng lượng tái tạo: tích hợp với nhà máy lọc hóa dầu, hóa chất, phân bón, sử dụng làm nhiên liệu cho pin nhiên liệu, định hướng hoàn thiện chuỗi giá trị hydro khâu sau.

Đối với lĩnh vực vận chuyển, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí, phát triển hợp lý hệ thống phân phối xăng dầu nhằm bảo đảm lưu thông và bình ổn thị trường, đáp ứng toàn bộ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước; Tăng cường các giải pháp gia tăng dự trữ chiến lược về dầu thô và xăng dầu; Khuyến khích sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học, nhiên liệu mới nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường.

Về phát triển nguồn điện, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà; Đồng thời, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu: giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp; Thực hiện chuyển dịch năng lượng bám sát xu thế phát triển công nghệ và giá thành trên thế giới.

Trong lĩnh vực năng lượng mới và tái tạo, chiến lược sẽ tập trung khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch; Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện. Cùng với việc khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn;

Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế; Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu; triển khai một số mô hình ứng dụng, tiến hành khai thác thử nghiệm để đánh giá hiệu quả;

Nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới; Thúc đẩy việc phát triển của các dạng năng lượng tái tạo bao gồm nhiên liệu sinh học, hydro, amoniac và các nhiên liệu tổng hợp có nguồn gốc từ hydro sử dụng trong sản xuất điện, giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), công nghiệp (thép xanh, hóa chất, lọc hóa dầu), tòa nhà dân dụng và thương mại (nhiệt) nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng và từng bước phi các-bon hóa nền kinh tế; Xây dựng lộ trình công nghệ cho sản xuất, sử dụng nhiên liệu hydro và các nhiên liệu có nguồn gốc từ hydro; pin nhiên liệu (fuel cell) sử dụng cho hoạt động giao thông vận tải và các mục đích khác.

Để thực hiện chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới như: cơ chế chính sách; tái cơ cấu và khuyến khích đầu tư; phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế.

Trong chiến lược này, Petrovietnam được giao nhiệm vụ phối hợp với liên danh nhà thầu để có các phương án khai thác tối ưu các nguồn khí từ các mỏ khí Lô B, Cá Voi Xanh,... cũng như các dự án cơ sở hạ tầng thuộc lĩnh vực khí đã được quy hoạch, bao gồm dự án kho cảng nhập khẩu LNG. Một nhiệm vụ cần được quan tâm triển khai đó là tăng cường tìm kiếm, thăm dò và khai thác các nguồn khí trong nước để cung cấp cho các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức quốc tế có năng lực, công nghệ để triển khai các dự án năng lượng mới/năng lượng sạch, tận dụng tối đa hạ tầng công nghiệp sẵn có; Nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược và triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược; Song song với đó, thúc đẩy đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được giao...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Petrovietnam giữ vai trò quan trọng trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO