Môi trường

Ông Nguyễn Khánh Toàn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa: Phải kết nối cung - cầu trong thị trường lao động việc làm xanh

Nguyễn Dũng (thực hiện) 06/02/2024 - 14:42

(TN&MT) - Thanh Hóa là một trong những tỉnh đi đầu trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, điều đó cho thấy cách tiếp cận cụ thể và tương hỗ với tăng trưởng xanh dựa trên cơ sở lý thuyết phục hồi và tái tạo. Theo đó, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn tương hỗ với nhau, cùng đóng góp tăng trưởng GDP hàng năm của tỉnh; đó chính là nền tảng để hướng tới phát triển bền vững. Để hiểu rõ hơn về cách làm hay, đầy sáng tạo này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khánh Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.

anh-1-ong-nguyen-khanh-toan-pho-gd-so-tn-mt-thanh-hoa.jpg
Ông Nguyễn Khánh Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa

Phóng viên: Thưa ông, năm 2023, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được nhắc đến nhiều. Vậy Thanh Hóa đã chuẩn bị như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu: Thúc đẩy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trên cơ sở định hướng đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3825/QĐ-UBND ngày 18/10/2023 về Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, đã giao nhiệm vụ, thời gian thực hiện hoàn thành cụ thể cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan để tổ chức triển khai thực hiện. Kế hoạch đã xác định quan điểm, mục tiêu về tăng trưởng xanh của tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2030.

Về quan điểm, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài; cụ thể hóa định hướng phát triển của tỉnh theo Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị. Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon. Lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, hình thành xã hội văn minh, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên và môi trường. Tăng trưởng xanh phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh quốc tế, điều kiện trong nước và trong tỉnh…

Về mục tiêu tổng quát, thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trọng tâm là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành kinh tế xanh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu; phấn đấu sớm đưa Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc.

Phóng viên: Trong cốt lõi của phát triển xanh thì vấn đề đóng góp tài chính là rất quan trọng. Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn khi đưa vấn đề này vào cuộc sống?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Tại Quyết định số 3825/QĐ-UBND ngày 18/10/2023 của UBND tỉnh đã đưa ra 8 nhóm giải pháp để thực hiện Kế hoạch, trong đó giải pháp tài chính được đề xuất là “Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh”. Theo đó, đẩy mạnh các giải pháp tiếp cận, huy động các nguồn tài chính từ các định chế tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các dự án sản xuất xanh, các dự án theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, việc tiếp cận, huy động các nguồn lực cho các dự án sản xuất xanh, các dự án theo hướng kinh tế tuần hoàn vẫn còn hạn chế. Những khó khăn trên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, như: Tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường... ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Ngoài ra, đây là nội dung mới, nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính chất khái quát, chuyên ngành, đồng thời nhiều chỉ tiêu có phương pháp thu thập, tính toán phức tạp, nhưng các bộ, ngành, Trung ương chậm có văn bản hướng dẫn, gây khó khăn trong việc áp dụng và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành ở địa phương, các ban, bộ, ngành Trung ương trong giải quyết công việc, tham mưu triển khai thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ, kịp thời.

thumbnail_anh-2-khu-nghi-duong-dao-ngoc-nghi-son.jpg
Đảo Ngọc là một trong những điểm phát triển xanh của thị xã Nghi Sơn

Tại Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Thanh Hóa đã tích hợp các chỉ tiêu liên quan đến tăng trưởng xanh, cụ thể: Đến năm 2030: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,5%; Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 99,5%, trong đó 75% dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn đạt 95%.

Phóng viên: Để thực hiện “Ước mơ xanh” hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn một cách bền vững và có trọng tâm cho những năm tiếp theo thì Thanh Hóa cụ thế hóa mục tiêu trên như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Trên cơ sở định hướng của Luật Bảo vệ môi trường về kinh tế tuần hoàn, tỉnh Thanh Hóa đang từng bước thực hiện các công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện, hiệu lực và hiệu quả. Theo đó, tập trung vào một số nội dung như:

Tiếp tục vận động người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh để thay đổi nhận thức, hành vi về thực hành sản xuất, tiêu dùng, lối sống xanh; tăng cường tuyên truyền phổ biến và đưa vào thực tế các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xây dựng mới giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích; khuyến khích các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, đầu tư vào tỉnh; trong đó, tập trung nghiên cứu, đầu tư vào 3 trụ cột tăng trưởng, 4 trung tâm kinh tế động lực và 6 hành lang phát triển kinh tế của tỉnh; thu hút các dự án sản xuất xanh, các dự án theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sạch và thân thiện với môi trường. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các Quyết định của UBND tỉnh về công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Tích hợp tăng trưởng xanh vào các chương trình, hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành nghề xanh; các chương trình hợp tác quốc tế để đào tạo các ngành nghề xanh theo quy chuẩn đào tạo của các tổ chức quốc tế và nhu cầu lao động trong các ngành nghề xanh của thành phần kinh tế tư nhân. Từng bước hình thành, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động của tỉnh cho các ngành nghề xanh, kết nối cung và cầu trong thị trường lao động việc làm xanh.

Tăng cường hỗ trợ, kết nối các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác, tổ chức nước ngoài thông qua cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, trong đó quan tâm, chú trọng tới các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, các thỏa thuận, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Nguyễn Khánh Toàn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa: Phải kết nối cung - cầu trong thị trường lao động việc làm xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO