Xã hội

Ổn định đời sống đồng bào dân tộc ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao

Phạm Hoạch 27/06/2024 - 18:49

(TN&MT) - Những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế- xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống người dân, nhất là đồng bào vùng DTTS. Để chia sẻ cách làm, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Lục Thành Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

anh-001.jpg
Ông Lục Thành Chung- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh

PV: Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chăm lo đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số, xin ông cho biết những kết quả đạt được?

Ông Lục Thành Chung: Với phương châm lấy người dân làm trung tâm, mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển của tỉnh, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, đồng thời ưu tiên dành cơ chế đặc thù, nguồn lực lớn để tập trung phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, AN-QP vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 “về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030” đã giúp tỉnh Quảng Ninh về đích trước 3 năm các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

Đồng thời, chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập. Đã có 13/13 địa phương cấp huyện đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 4/7 huyện cơ bản hoàn thành tiêu chí/chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó, huyện Bình Liêu là huyện DTTS, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

anh-03.jpg
Trồng chanh leo xuất khẩu hướng đi mới cho thu nhập ổn định, nâng cao đời sống đối với người dân xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người của cả giai đoạn 2021- 2025, nhân dân được thụ hưởng các thành quả phát triển của tỉnh. Trong đó, riêng về thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tính đến hết năm 2023 đã đạt 73,348 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước và cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS.

Trong 3 năm qua tỉnh đã huy động nguồn lực rất lớn với trên 118.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Thông qua đó đã có hàng trăm công trình được xây dựng, hàng nghìn người, nhất là đồng bào vùng DTTS có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

PV: Xin ông cho biết những giải pháp và kết quả đạt được trong việc di dời những hộ đồng bào dân tộc ở khu vực miền núi ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao?

Ông Lục Thành Chung: Tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến các thôn, bản nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân, nhất là đồng bào vùng DTTS ở khu vực miền núi, hải đảo. Vì vậy, Tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù, phê duyệt các Chương trình, Đề án thực hiện công tác bố trí sắp xếp và ổn định dân cư vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai trên địa bàn.

Trong giai đoạn từ 2013- 2015, thực hiện Chương trình Bố trí sắp xếp và ổn định dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành di dân vùng ra khỏi vùng thiên tai và ổn định tại chỗ là 493 hộ với tổng kinh phí thực hiện trên 15 tỷ đồng.

anh-02.jpg
Đời sống người dân ở khu tái định cư tại thôn Làng Ngang, xã Quảng An, huyện Đầm Hà ngày càng ổn định, nhiều hộ trở lên khá giả

Đồng thời, thực hiện Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2025. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã di dời được 558/558 hộ, hoàn thành 100% kế hoạch với tổng kinh phí thực hiện trên 494 tỷ đồng.

Để tiếp tục giúp đồng bào vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo an cư lạc nghiệp, tỉnh đẩy mạnh quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, trong đó bố trí sắp xếp dân cư vùng biên giới, hải đảo và vùng nguy cơ ảnh hưởng sạt lở do thiên tai đến nơi ở mới ổn định cuộc sống.

PV: Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai những biện pháp gì để đồng bào dân tộc khu vực miền núi ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững?

Ông Lục Thành Chung: Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp tham mưu thực hiện tốt các giải pháp tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững và thực hiện bố trí sắp xếp, ổn định dân cư những nơi cần thiết ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn đạt khoảng 5.000 USD/người/năm, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt khoảng 100 triệu đồng/người/năm.

Tiếp tục triển khai thực hiện rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch bố trí, sắp xếp và ổn định dân cư các vùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030 gắn với sinh kế bền vững, ổn định đời sống cho người dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đồng bào DTTS.

Từng bước nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đưa các di sản văn hóa phi vật thể, văn hóa bản địa và tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo nét mới, sinh động trong đời sống Nhân dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Trân trọng cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ổn định đời sống đồng bào dân tộc ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO