Nghề cá, nuôi trồng thủy sản, các hoạt động giải trí và phúc lợi toàn cầu đều bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm rác thải nhựa, với ước tính giảm 1-5% lợi ích mà con người lẽ ra được hưởng từ đại dương. Theo một nghiên cứu được công bố tuần qua trên Bản tin về ô nhiễm hàng hải, chi phí mang lại những lợi ích như vậy, được gọi là giá trị hệ sinh thái biển, lên tới 2,5 triệu USD mỗi năm.
Nghiên cứu cho thấy Mỗi tấn chất thải nhựa cũng được cho là làm giảm giá trị môi trường tới 33.000 USD và ước tính có khoảng 8 triệu tấn ô nhiễm nhựa đổ vào các đại dương trên thế giới hàng năm.
Tiến sĩ Nicola Beaumont, nhà kinh tế môi trường thuộc Phòng thí nghiệm biển Plymouth, người đứng đầu nghiên cứu cho biết đây là cuộc điều tra đầu tiên chỉ ra tác động kinh tế và xã hội của rác thải nhựa trên biển.
“Tính toán của chúng tôi là cố gắng đầu tiên để “áp giá cho nhựa”. Cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để tinh chỉnh nhưng chúng tôi cho rằng con người đã đánh giá thấp chi phí thực sự mà rác thải nhựa tác động tới xã hội loài người” - ông Beaumont cho biết.
“Các ước tính đã không tính đến các tác động trực tiếp và gián tiếp đến các ngành công nghiệp du lịch, vận tải và thủy sản, hoặc đối với sức khỏe con người”, các tác giả cảnh báo.
Nghiên cứu cho thấy rác thải nhựa có thể được tìm thấy trên khắp thế giới - từ bờ biển đông dân nhất đến xa nhất - và chúng đều có tác động tiêu cực đối với động vật phù du, động vật không xương sống, cá, rùa, chim và động vật có vú. Tuy nhiên, các tác giả đã phát hiện ra rằng nhựa - có thể vẫn nổi trong nhiều thập kỷ hoặc lâu hơn, di chuyển trong khoảng cách hơn 3.000km từ điểm xuất phát - tạo ra môi trường sống mới cho vi khuẩn và tảo. Theo nghiên cứu, các thuộc địa này làm tăng phạm vi địa lý của vi khuẩn và tảo, do đó có nguy cơ lây lan các loài và bệnh xâm lấn.
Tiến sĩ Kayleigh Wyles, giảng viên tâm lý học môi trường tại Đại học Surrey, Mỹ cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra tác động toàn diện của ô nhiễm nhựa.
“Tương tự như các loại nhựa có tác động tàn phá đối với hệ thống sinh thái và biển của chúng ta, rác thải nhựa cũng tác động trực tiếp và gián tiếp đến xã hội”, Kayleigh Wyles cho biết thêm.
“Tuy nhiên, định lượng các chi phí hữu hình và vô hình khổng lồ liên quan đến chất thải nhựa ở biển chỉ có thể thu hút chú ý và nguồn lực của chúng ta để bảo vệ biển cho các thế hệ tương lai” - TS Kayleigh Wyles nhấn mạnh.
Beaumont hy vọng nghiên cứu này sẽ hợp lý hóa các dịch vụ để giải quyết ô nhiễm nhựa và giúp chúng ta đưa ra quyết định sáng suốt.
“Tái chế một tấn nhựa tiêu tốn hàng trăm USD nhưng chi phí sẽ lên đến hàng ngàn nếu chúng ta trút xuống biển. Chúng ta hiện đang kinh doanh carbon để giảm phát thải vào khí quyển, tại sao chúng ta không thể làm điều tương tự với nhựa? Hy vọng nghiên cứu này sẽ làm nổi bật thực tế của vấn đề nhựa theo khía cạnh con người”, Tiến sĩ Beaumont nhấn mạnh.