Chính vì vậy, cơ quan này vừa thông qua một Nghị quyết chọn ngày 7/9 hằng năm là "Ngày Quốc tế Không khí trong lành cho bầu trời xanh" và sẽ tiến hành các hoạt động đánh dấu ngày này từ năm 2020.
Kêu gọi toàn cầu hướng tới mục tiêu không khí sạch
Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng tăng cường hợp tác quốc tế ở cấp độ toàn cầu, khu vực ở những lĩnh vực liên quan đến cải thiện chất lượng không khí, bao gồm thu thập và sử dụng dữ liệu, nghiên cứu và phát triển chung, cũng như chia sẻ hoạt động hiệu quả nhất. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc cũng ghi nhận tầm quan trọng nâng cao nhận thức của công chúng ở mọi cấp độ, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Nghị quyết nêu rõ, không khí trong lành có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và đời sống hằng ngày của con người và kêu gọi cộng đồng quốc tế kỷ niệm ngày này một cách thỏa đáng, phù hợp với các ưu tiên quốc gia, cũng như tiếp tục quan tâm hợp tác quốc tế nhằm ủng hộ các nỗ lực của tất cả các nước thành viên hướng tới đạt được mục tiêu không khí sạch.
Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết, ô nhiễm không khí gây ra cái chết sớm cho khoảng 4,2 triệu người trên thế giới vào năm 2016. Trong đó, 91% tỷ lệ thuộc về các nước nghèo và đông dân ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
Ô nhiễm không khí thực sự là một cú sốc lớn cho toàn cầu. Vấn nạn này khiến những người mắc bệnh hô hấp thêm khó thở, trẻ con và người già phải vào viện, bỏ học, bỏ việc và gây ra những cái chết sớm cho con người.
Cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo không khí sạch. Ảnh: Hoàng Minh |
Mặc cho nhận thức về môi trường sống và ô nhiễm không khí ngày càng được cải thiện tại các đô thị lớn, tình hình vẫn ngày càng trầm trọng hơn khi 2/3 thế giới đang phải hứng chịu nạn ô nhiễm khủng khiếp với chỉ số hạt bụi PM 2.5 cao trên mức 35 µg/m3 khí, chủ yếu tại Châu Á, Trung Đông và Châu Phi. Nguyên nhân là do dân số những khu vực này tăng quá nhanh, khiến các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí chỉ như "muối bỏ bể".
Những khuyến cáo của WHO
Tại Việt Nam, thời gian qua, người dân Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải đối mặt với ô nhiễm không khí nặng nề. Nồng độ các chất gây ô nhiễm trong không khí thay đổi tùy theo địa điểm, theo giờ, theo ngày và theo mùa vì chịu sự ảnh hưởng của sự chuyển động của các chất gây ô nhiễm, của gió và thời tiết... Ví dụ, chất lượng không khí ở Hà Nội kém hơn vào mùa đông so với mùa hè. Tuy vậy, trong năm 2019, chất lượng không khí trong khoảng nửa sau tháng 9 trở nên rất kém so với cùng kỳ các năm trước đây.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí đến năm 2020 với tầm nhìn tới năm 2025 (Quyết định Số 9851/QD-TTG) năm 2016, trong đó, đề ra các hoạt động bao gồm việc xác định và theo dõi các nguồn ô nhiễm và giám sát chất lượng không khí ở tất cả các cấp - sẽ góp phần phổ biến các hành động hướng đến cải thiện chất lượng không khí.
Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch, WHO cho rằng, cần tăng cường năng lực hệ thống theo dõi, giám sát chất lượng không khí và chia sẻ thông tin, số liệu với công chúng; tăng cường các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu phát thải khí trong giai đoạn ô nhiễm không khí vượt quá mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới; các nguồn ô nhiễm không khí cần được xác định thấu đáo và cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo không khí sạch.
“Hơn 95% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm và có đến 60% người sống ở những khu vực không đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản nhất của WHO. Theo đó, ô nhiễm môi trường không khí là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư thế giới, chỉ đứng sau cao huyết áp, suy dinh dưỡng và hút thuốc lá”. Tổ chức Y tế thế giới |
Có rất nhiều ví dụ về các chính sách thành công giúp giảm ô nhiễm không khí được WHO đưa ra là các công nghệ sạch nhằm giảm phát thải khí công nghiệp; cải thiện quản lý chất thải đô thị và nông nghiệp, bao gồm thu hồi khí mê tan thoát ra từ bãi thải để thay thế phương án đốt rác thải (sử dụng khí sinh học); đảm bảo tiếp cận các giải pháp năng lượng sạch tại hộ gia đình và có thể chi trả được để đun nấu, sưởi ấm và chiếu sáng; ưu tiên phương tiện vận chuyển đô thị tốc độ cao, các mạng lưới đi bộ và đi xe đạp trong thành phố, cũng như vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường sắt giữa các đô thị.
Các mục tiêu liên quan tới chất lượng không khí là một phần của các Mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc kêu gọi phải hành động ở cấp độ toàn cầu sao cho đến năm 2030, chúng ta sẽ giảm đáng kể số ca tử vong và số ca mắc bệnh do ô nhiễm không khí gây ra (Mục tiêu SDG3.9); và giảm tác động môi trường có hại của các thành phố tính trên đầu người, bằng cách quan tâm hơn tới chất lượng không khí (Mục tiêu SDG 11.6). |
Cùng với đó, chuyển đổi sang các phương tiện chạy dầu diezel sạch hơn và các phương tiện ít phát thải và nhiên liệu sạch hơn, bao gồm nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp; cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà và làm cho thành phố xanh hơn, kết cấu chặt chẽ hơn, dẫn đến hiệu quả sử dụng năng lượng lớn hơn; tăng việc sử dụng các nhiên liệu ít phát thải và các nguồn năng lượng không đốt, có thể tái tạo được (như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và thủy điện); kết hợp sản xuất nhiệt và điện; và phát điện phân phối (ví dụ, điện lưới nhỏ và phát điện mặt trời trên mái nhà)…
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới toàn cầu và bây giờ, chính là lúc các quốc gia cần hành động quyết liệt vì không khí sạch và vì sức khỏe cộng đồng.