Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai từ ngày 15/5 - 22/5 với chủ đề Phòng, chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở.
Đây là năm thứ hai Việt Nam đi sâu vào chủ đề này để nhấn mạnh rằng, chỉ có chính quyền cơ sở, người dân cơ sở mới nắm bắt rõ được tình hình thiên tai diễn ra ở địa phương mình, từ đó, đề ra giải pháp ra sao, để ứng phó kịp thời, chính xác nhất trước khi lực lượng cấp Trung ương về hỗ trợ.
Thiên tai trở thành phép thử về sức mạnh tính cộng đồng của người Việt |
Với tiềm lực kinh tế nói chung, tiềm lực phòng chống thiên tai nói riêng còn nhiều hạn chế, song, chúng ta đã và đang có những nỗ lực đáng ghi nhận để giảm tối đa những thiệt hại thiên tai. Thành tích đó được lý giải chính là nhờ sức mạnh của cộng đồng đã được phát huy tối đa.
Nếu những chủ trương, chính sách của Nhà nước là điều kiện cần thì sự hợp tác của người dân là điều kiện đủ để công cuộc chống “thủy - hỏa - đạo - tặc” thu được thắng lợi.
Tuy vậy thực tế, tính cộng đồng khi đất nước “hữu sự”, và tính cộng đồng trong cuộc sống bình thường vẫn là một khoảng cách. Tính cộng đồng của người Việt ra đời từ nhu cầu ứng phó với thách thức của tự nhiên, xã hội, nên khi thử thách qua đi, tinh thần cộng đồng rất dễ đi vào thoái trào.
Người Việt gắn kết, tương trợ lẫn nhau khi thảm họa thiên nhiên xảy ra. Song, khi thảm họa kết thúc, tư duy vị kỷ lại lên ngôi: “Ruộng ai nấy đắp bờ”, “Ăn cây nào, rào cây nấy” hay “Ai có thân người ấy lo/Ai có bò người ấy giữ”...
Thiên tai trở thành phép thử về sức mạnh tính cộng đồng của người Việt. Nhưng làm sao để “đặc tính” này trở nên bền vững, chứ không phải chờ đến khi đất nước “hữu sự” mới thể hiện là điều đáng suy ngẫm!
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo từ nay đến cuối năm 2020, xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó, có khoảng 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020.
Không riêng năm nay, năm nào Việt Nam cũng bị thiệt hại người và của, thiệt hại về mặt kinh tế ước từ 1 - 1,5% GDP. Do đó, chúng ta phải xác định, quán triệt phòng chống thiên tai là thường xuyên, liên tục, chưa bao giờ kết thúc trong hàng nghìn năm lịch sử đất nước.
Không ngẫu nhiên mà người xưa đúc kết nên bốn đại họa trong cuộc sống là thủy, hỏa, đạo, tặc (nước, lửa, trộm cắp, giặc giã), trong đó, thủy và hỏa được đặt lên hàng đầu.
Dù còn nhiều mối lo, nhưng tai họa từ thủy - hỏa hoàn toàn có thể kiểm soát và giảm thiệt hại nếu chúng ta có ý thức cộng đồng và sớm lên phương án phòng ngừa.