Nước thải bức tử hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải

03/01/2018 15:18

(TN&MT) - Do phải tiếp nhận nhiều nguồn nước thải chưa qua xử lý, hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải đang bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Ô nhiễm trên diện rộng Hệ thống sông Bắc Hưng Hải được xây dựng từ năm 1958, có tổng chiều dài hệ thống sông chính khoảng 232 km và hơn 2.000 km kênh nhánh các loại, chủ yếu ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Nguồn nước cấp cho hệ thống Bắc Hưng Hải lấy từ sông Hồng qua cống Xuân Quan, thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cung cấp nước tưới cho 135.000 ha và tiêu úng cho 185.000 ha đất canh tác thuộc các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và một phần của Hà Nội. Đồng thời, cung cấp nước sử dụng cho nhiều mục đích khác như cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, sản xuất của các làng nghề, cho nuôi trồng thuỷ sản mà hệ thống thủy lợi đi ngang qua.

BHH 1
Sông Cửu An, điểm qua xã Thái Dương, huyện Bình Giang, nước đen đặc, huỷ diệt môi trường sống.

Hệ thống Bắc Hưng Hải được xây dựng với mục đích chính là cung cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; nhưng trong quá trình phát triển đô thị hóa và công nghiệp hóa, hiện nay hệ thống sông Bắc Hưng Hải phải tiếp nhận nước thải từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các bệnh viện, làng nghề, dân sinh,  cơ sở chăn nuôi, thậm chí cả rác thải… với lưu lượng ngày càng lớn.

Một trong những nguồn nước gây ô nhiễm nặng nhất cho hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải đó là nước có nguồn gốc từ nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu đô thị, dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội). Đó là các khu công nghiệp Sài Đồng A, Sài Đồng B, cụm công nghiệp Đức Giang, các khu đô thị, khu dân cư, các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, trên 90% mẫu nước xả thải của các khu đô thị, doanh nghiệp vượt ngưỡng cho phép. Nhiều doanh nghiệp xả thẳng ra sông không có hệ thống xử lý nước thải.

Nước sông Cầu Bây mầu đen đặc, sủi bọt trắng thường xuyên xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải, với tần suất ngày một tăng lên; mỗi tuần từ hai đến ba lần, mỗi lần kéo dài một đến hai ngày. Điểm xả thải qua cống Xuân Thụy, huyện Gia Lâm. Dòng nước đen hôi thối tràn đến đâu cá sông chết tới đó. Đi dọc tuyến sông Bắc Hưng Hải, qua các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên), Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) chúng tôi chứng kiến dòng nước đen, từng đợt tràn về giết chết thuỷ sinh ô nhiễm môi trường sống.

BHH 2
Dòng sông chết bên cầu Lực Điền, huyện Yên Mỹ.

Ông Luyện Văn Ngọc, thôn Trung Đạo, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ cho biết những đợt nước đen ô nhiễm đã có gần chục năm nay, song gần đây, tần suất các đợt nước bẩn đổ về ngày một dày hơn. Có tuần tới 2 đến 3 lần, không theo quy luật nào, giờ đã thành dòng sông chết. Một số gia đình trong xã có ao cá ven sông, bị nước bẩn rò vào, cá bị sặc, chết trắng ao. Có đợt hàng chục ngày, nước không luân chuyển, mùi hôi thối nồng nặc, khó thở không thể chịu được phải bỏ ao cá, trang trại mà đi nơi khác ngủ. Người dân bên sông bị mắc bệnh đường hô hấp, bị ung thư rất nhiều. Chúng tôi rất lo lắng tới sức khoẻ của người già, trẻ nhỏ và chính bản thân mình.

Ông Phạm Văn Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Mỹ tâm sự: 100% xã trong huyện đều sử dụng nguồn nước tưới từ sông Bắc Hưng Hải. Nước ô nhiễm ảnh hưởng rất lớn tới canh tác lúa, màu và chăn nuôi thuỷ sản. Mỗi khi nước bẩn về, huyện khuyến cáo các địa phương đóng chặn các cửa cống, không cho nước bẩn tràn vào các kênh nhỏ. Chờ khi hết đợt nước đen mới lấy nước vào. Để biết nước hết ô nhiễm, múc nước vào chậu, thả cá vào, nếu cá giẫy đành đạch thì không thể lấy nước đó. Nếu cá bơi thư thái thì lấy được. Đó là phương pháp đơn giản nhất để bà con chúng tôi tự cứu mình trước dòng nước bẩn.

Còn ông Phạm Văn Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Giang cho biết, trong những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018, dòng nước đen đang hoành hành dọc 2 tuyến sông qua huyện. Có đợt, qua kiểm tra dòng nước bẩn trên sông, lượng Natri Hiđroxit (xút ăn da) rất nhiều. Chắc chắn phía đầu nguồn có những cơ sở công nghiệp giặt tẩy và các cơ sở sử dụng nhiều Natri Hiđroxit đã xả thẳng ra sông. Trong nước còn có nhiều hàm lượng kim loại nặng vượt quy chuẩn cho phép và các chất độc hại khác, đặc biệt là hoá chất đồng xianua được sử dụng trong mạ bóng kim loại. 100% các xã, thị trấn của Bình Giang sử dụng nguồn nước Bắc Hưng Hải để tưới lúa và các loại cây trồng. Những năm gần đây, năng suất cây trồng giảm từ 10 đến 20%, chắc chắn nguồn nước ô nhiễm là một trong những nguyên nhân.

Về xã Thái Dương huyện Bình Giang, cách đầu nguồn khoảng 40 km, sông Cửu An, một nhánh chính của thuỷ nông Bắc Hưng Hải, nước sông đen đặc, hôi nồng. Chúng tôi được chứng kiến, còn một vũng nước nhỏ phía trên cao chưa bị ô nhiễm, đàn cá rô phi cố sức rạch lên để hy vọng sống, song trên đường đi, nhiều con đuối sức phải bỏ xác lại.

Không chỉ lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn còn trên chục xã sử dụng nguồn nước ô nhiễm này để sản xuất nước máy cho trên 60.000 người dân sử dụng. Nguồn nước bẩn không chỉ ô nhiễm các dòng sông mà còn ô nhiễm cả các tầng nước ngầm trong khu vực. Với hàng trăm nghìn mũi khoan ở các vùng nông thôn và thành thị trong các hộ dân của các tỉnh, nay nhiều gia đình đã bỏ, vô hình chung trở thành các đường dẫn thông tầng của các mạch nước ngầm, làm ô nhiễm nước ngầm trên diện rộng.

Ai sẽ cứu những dòng sông?

Ô nhiễm nghiêm trọng hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải ngoài nguồn chính từ Hà Nội còn có sự góp mặt của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, làng nghề, thành phố, thị trấn, dân cư trong toàn lưu vực. Vì vậy, để cứu những dòng sông trong hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải, trách nhiệm không chỉ một bộ, ngành, địa phương nào mà là trách nhiệm chung. Trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP Hà Nội là trách nhiệm chính. Phải xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây mới cho xả thái vào hệ thống Bắc Hưng Hải. Đây là một việc khó, song không thể cứ kéo dài mãi.

Đã có những hội thảo của các bộ, ngành đi tìm giải pháp cứu vãn sự ô nhiễm của hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải. Song nhiều năm qua đi, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Hải Dương vẫn chưa có gì khởi động, mặc cho các dòng sông bị bức tử.

BHH 3
Những con cá cố sức tìm đường sống, nhưng chúng đành phơi xác trên đường đi.

Thiết nghĩ, các bộ ngành, các tỉnh thành phố cần chung tay, quản lý chặt chẽ các nguồn thải, tìm giải pháp, xây dựng chế tài, có lộ trình đầu tư lớn cho việc khắc phục từng bước nguồn ô nhiễm đổ vào Bắc Hưng Hải. Trong đó cần sớm xây dựng nhà máy xử lý nước thải khu vực cuối sông Cầu Bây. Nguồn kinh phí cần được huy động từ các doanh nghiệp, thương nhân, người dân trong lưu vực xả thải; sự hỗ trợ từ Trung ương, nguồn vốn đầu tư của TP hà Nội… để xử lý nguồn ô nhiễm lớn nhất này.

Tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương cần đầu tư xử lý nước thải đô thị, tránh tình trạng nước thải bẩn cứ bơm thẳng ra hệ thống Bắc Hưng Hải như hiện nay. Các ngành chức năng của 2 tỉnh kiểm soát chặt chẽ, xử lý kiên quyết việc xả thải vượt quy định của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp các doanh nghiệp trên địa bàn. Tránh để xả thải không qua xử lý ra môi trường xung quanh. Hãy chung tay để tìm lại màu xanh cho các dòng sông thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải.                                                                        

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước thải bức tử hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO