Trên khắp các địa phương ĐBSCL, sạt lở diễn ra khốc liệt và dồn dập |
Trong cơn đói phù sa do các quốc gia đầu nguồn Mê Công chặn dòng, xây đập thủy điện, hay chuyển nước trên dòng chính theo kiểu “trích máu dòng sông” mà nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy không chỉ làm mất đa dạng sinh học, giảm lượng thủy sản, nghiêm trọng hơn là sự sụt giảm khoảng một nửa lượng phù sa vốn là nguồn trầm tích kiến tạo nên và nuôi sống đồng bằng.
Sông Tiền, sông Hậu vốn hiền hòa, bao đời mang phù sa kiến tạo đồng bằng. Nay, sông Mẹ như trong cơn đói nước, thiếu thức ăn phù sa, tính khí hung dữ, thất thường, tạo ra cơn cuồng phong bằng các trận sạt lở bờ sông nghiêm trọng.
Đó là chưa kể, đôi dòng Tiền - Hậu còn bị thêm “cú đấm hội đồng” của tội đồ “cát tặc” lộng hành và hệ thống đê bao cục bộ “mạnh ai nấy làm”. Tình trạng sử dụng nước ngầm quá mức gây lún đất và tạo ra các vết nứt bị khoét rỗng thành hố, từ đó bị tác động bởi thủy triều. Khi mất lượng phù sa, tài nguyên cát bị vơ vét cạn kiệt, sông Tiền, sông Hậu bị bào mòn nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy, lòng sông sâu hơn, tạo ra hiện tượng “nước đói”, xâm thực bờ sông.
Trên khắp các địa phương ĐBSCL, sạt lở diễn ra khốc liệt và dồn dập. Toàn vùng có ít nhất 50 điểm sạt lở được ghi nhận từ đầu năm đến nay. Tuy chưa gây thiệt hại về người nhưng đã khiến người dân sống ven sông luôn phập phồng lo lắng.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, mỗi năm, người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần thêm 18 triệu m2 nhà ở. Nhu cầu lớn nên nhiều người liều mình cất nhà ven sông, rạch dù biết sạt lở có thể cuốn phăng tài sản, nhà cửa bất kỳ lúc nào. Chính quyền các địa phương cũng đang đau đầu vì tình trạng cất nhà ven sông đã trở thành tập quán của người dân. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có trên 1.000 hộ dân cần được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm của sạt lở. Tuy vậy, do tập quán cất nhà và sinh sống ven sông, một số người dân sau đó lại quay về chỗ cũ, khiến chính quyền địa phương... “bất lực“.
Thực tế, có rất ít giải pháp có thể tiến hành ở nội tại ÐBSCL để ngăn chặn khuynh hướng sạt lở. Mọi biện pháp ở khu vực này, dù là công trình hay phi công trình, cũng chỉ là chống đỡ chứ không thể làm ngừng sạt lở. Bởi không có biện pháp nào ở nội tại ÐBSCL có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ là thiếu phù sa và thiếu cát. Về lý thuyết kiến tạo đồng bằng, một đồng bằng châu thổ do phù sa tạo nên chỉ có thể tồn tại khi cán cân phù sa, tức là tài khoản phù sa đủ để duy trì bờ sông, bờ biển.
Còn về khai thác cát, đúng là vật liệu này rất cần cho xây dựng cho hôm nay và cho cả mai sau. Nhưng nếu cứ khai thác ồ ạt như hiện nay, chắc chắn đồng bằng sẽ còn mất đất, mất nhà cửa, tài sản.
Cần mở rộng diện áp dụng Quyết định 597 của Chính phủ về Liên kết vùng cho vấn đề quy hoạch khai thác cát, bởi vì sông Cửu Long là một hệ, khi chúng ta khai thác cát ở phía trên thì toàn bộ hệ dòng sông bên dưới và cả bờ biển bị đói cát và sạt lở.