Nỗi khổ của người làng Man
Làng Man, xã Lộc Hòa (ngoại thành TP Nam Định) chính là nơi 20 năm qua “gánh trọng trách” làm nơi tập kết, chôn lấp rác thải của cả TP Nam Định. Ở thời điểm chúng tôi có mặt, vùng đệm của bãi rác, thay bằng là nơi trồng cây, làm hồ nước đã được Công ty CP Môi trường Nam Định “tận dụng” để tập kết rác, khiến bãi rác lộ thiên chỉ còn cách nhà dân vài mét và chỉ được ngăn bởi một bức tường...
Ông Hoàng Trung Hạnh - người có nhà, vườn liền kề bãi rác cho biết, năm nay ông 58 tuổi, sinh sống ở đây từ bé. Hai mươi năm về trước, cuộc sống của gia đình ông và người làng khá yên bình với cảnh ruộng vườn tươi tốt. Tuy nhiên, từ năm 1999 - năm làng ông được chính quyền TP Nam Định chọn làm nơi tập trung, chôn lấp rác thải cho cả thành phố - cuộc sống của người làng bắt đầu bị đảo lộn. Theo đó, khi chiếc xe rác đầu tiên chở rác về đây cũng là lúc người làng bắt đầu phải sống chung với mùi hôi thối và ruồi muỗi.
Không chỉ có vậy, dẫn chúng tôi ra vườn nhà, ông Hạnh cho biết nước ô nhiễm từ bãi rác ngấm vào vườn khiến mấy năm qua ông mất nguồn thu từ đây, vì cây cối trong vườn không chết cũng còi cọc. Chị Hoàng Thị Lan, một hộ dân khác sống liền kề bãi rác thì bức xúc: “Khổ không gì tả nổi. Ai đời ở nhà mà suốt ngày phải đóng cửa, đeo khẩu trang. Đứng nấu ăn mà chân nọ cứ phải cọ vào chân kia để gãi, để xua ruồi xua muỗi thì làm sao chịu được?”
Đỉnh điểm của nỗi bức xúc, vào tối ngày 11/11, người dân làng Man đã tập trung, ngăn chặn, không cho xe chở rác của Công ty CP Môi trường Nam Định tiếp tục đưa rác vào làng. Việc này khiến ngày hôm sau, rác ứ đọng, không được thu gom, tràn ngập phố phường Thành Nam. Giải thích lý do, ông Hoàng Ngọc Nam, một người làng Man bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh; nhiều lần kiến nghị chính quyền thành phố giải quyết nhưng không được đáp ứng. Chúng tôi rất chia sẻ với chính quyền, với người dân nội thành. Nhưng chính quyền, mọi người cũng phải nghĩ cho chúng tôi.”
Khu xử lý rác mới, bao giờ?
Liên quan đến bức xúc của người dân làng Man, ông Triệu Đức Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường Nam Định - doanh nghiệp đang chịu trách nhiệm thu gom rác thải của TP Nam Định thừa nhận sau 20 năm hoạt động, đến nay khu tập kết, chôn lấp rác thải rộng hơn 23 ha ở làng Man đã gần đầy. “Toàn khu chỉ có thể “cầm cự” chôn lấp thêm được đến hết tháng 3-2019, riêng khu vùng đệm, gần nhà dân chỉ có thể tập kết, chôn lấp thêm được khoảng 10 ngày là hết chỗ...
Ông Triệu Đức Kiểm cũng cho biết, Công ty CP Môi trường Nam Định thực hiện cổ phần hóa từ năm 2016. Từ đó đến nay, công ty chỉ tạm thời được chính quyền tỉnh, thành phố Nam Định giao làm nhiệm vụ quản lý, vận hành khu xử lý rác thải ở làng Man và sẽ bàn giao lại khi thành phố xây dựng được khu xử lý rác hiện đại hơn.
Trong khi đó, thông tin với PV Đại Đoàn Kết, ông Hoàng Nguyên Dự -Chủ tịch UBND TP.Nam Định cho hay mặc dù tỉnh, thành phố đã có chủ trương xây dựng một khu xử lý rác thải hiện đại mới, đã có mặt bằng (tại khu đất rộng 9,98 ha, thuộc địa bàn thôn Dị Sử, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, gần khu xử lý cũ - PV) nhưng hiện tại chính quyền thành phố vẫn đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, công nghệ sao cho phù hợp.
“Thời gian qua có nhiều nhà đầu tư tới thuyết trình về phương án, công nghệ nhưng chúng tôi chưa lựa chọn được nhà đầu tư nào”, ông Dự cho biết.
Về bức xúc, phản ứng của người dân làng Man, Chủ tịch UBND TP Nam Định cho biết, trước mắt thành phố tập trung tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, tạo điều kiện để Công ty CP Môi trường thu gom, vận chuyển, xử lý rác; thực hiện tăng mức hỗ trợ ảnh hưởng cho người dân. Đồng thời yêu cầu phía Công ty CP Môi trường Nam Định thực hiện nghiêm các quy định về xử lý rác thải...
Trong khi đó, ông Trương Công Định - Giám đốc Công ty CP Môi trường Nam Định nhìn nhận: “Nếu ngay bây giờ khu xử lý rác thải mới được xây dựng thì cũng phải 2 năm sau mới hoàn thành, đi vào hoạt động. Trong khi chỉ mấy tháng nữa khu chôn lấp cũ sẽ không còn chỗ. Trong thời gian chờ đợi, chưa biết rác thải của thành phố sẽ được xử lý như thế nào?”
Như vậy, có thể thấy, việc xử lý rác thải ở TP Nam Định đang trong tình trạng “nước đến chân nhưng chưa thể nhẩy”.