(TN&MT) – Gần 10 năm trôi qua sau khi hết hạn để tạm và bắt buộc phải di chuyển đi nơi khác, núi rác khổng lồ tại khu công nghiệp Khai Quang (TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn sừng sững ở đó và ngày càng mở rộng. Câu hỏi đặt ra là chính quyền thành phố Vĩnh Yên đã chi bao nhiêu tiền cho việc xử lý rác? Tại sao chi tiền mà tình trạng ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm?
Vừa qua, báo TN&MT đã đăng tải bài viết Cuộc sống khổ sở của người dân sống cạnh “bom” rác giữa lòng thành phố Vĩnh Yên. Bài viết phản ánh cuộc sống địa ngục của gần 40 hộ dân sinh sống tại khu phố Mậu Thông (phường Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) khi gần 10 năm qua, họ phải sống trong cảnh ô nhiễm nặng nề do núi rác tạm ở khu công nghiệp Khai Quang (TP. Vĩnh Yên) gây ra.
Được biết, từ năm 2008, chính quyền TP. Vĩnh Yên có chủ trương sử dụng 2 hecta đất trong KCN Khai Quang (là vị trí bãi rác hiện giờ) để làm nơi tập kết tạm rác thải của thành phố trong 2 năm. Thế nhưng đến nay, gần 10 năm trôi qua, bãi rác tạm ngày nào đã mở rộng có lẽ gấp 3 lần so với thời điểm ban đầu nhưng chính quyền TP. Vĩnh Yên vẫn chưa di chuyển đi được.
Nhằm làm rõ thông tin liên quan tới việc chậm di chuyển bãi rác tạm nêu trên, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Hoàng Đình Thuật, Chánh văn phòng TP. Vĩnh Yên. Tại buổi làm việc, ông Thuật cho biết, lãnh đạo thành phố đã nhiều lần họp bàn để đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên hiện nay, các giải pháp vẫn đang được cân nhắc và báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
“Hiện nay bãi tập kết, chôn lấp rác thải ở lô CN14, khu công nghiệp Khai Quang (bãi rác đang gây ô nhiễm – PV) đã quá đầy và UBND tỉnh cũng đồng ý cho đóng cửa bãi rác từ năm 2014. Tuy nhiên rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố vẫn phải chôn lấp, xử lý tại đây là vì bãi tập kết, chôn lấp rác tạm mới (tại lô CX5, khu công nghiệp Khai Quang) chưa thể đi vào hoạt đông. Nguyên nhân bởi đơn vị quản lý khu công nghiệp Khai Quang không đồng ý cho xe vận chuyển rác đi qua khu công nghiệp để vào bãi rác. Hiện UBND thành phố đang đề xuất với UBND tỉnh cho khôi phục lại bãi rác Núi Bông và giao cho Công ty cổ phần Môi trường & Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên lắp dựng module để xử lý rác thải theo công nghệ đốt hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường tại bãi rác Núi Bông” – ông Thuật cho biết.
Cũng theo lời của vị Chánh văn phòng này, một giải pháp khác cũng được thành phố Vĩnh Yên cân nhắc là sẽ chuyển một phần lượng rác sinh hoạt của thành phố về Nhà máy xử lý rác thải ở thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương. Tuy nhiên do nhà máy này công suất nhỏ (chỉ tiếp nhận được thêm khoảng 8 tấn rác/ngày ở TP. Vĩnh Yên) và đơn giá xử lý rác ở đây quá cao so với đơn giá mà tỉnh Vĩnh Phúc giao nên phương án nêu trên rất khó khả thi.
“Hiện nay quỹ đất của TP. Vĩnh Yên còn rất ít nên việc đặt bãi rác ở đâu quả thực là bài toán khó với chính quyền thành phố. Chúng tôi đã tìm nhiều địa điểm khác nhau để cân nhắc chuyển bãi rác tạm về đó nhưng chỗ nào cũng vướng, không vướng cái này thì vướng cái kia” – ông Hoàng Đình Thuật cho biết thêm.
Được biết, ngày 24/4/2018 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản số 2833/UBND – NN5 gửi UBND TP. Vĩnh Yên về việc khẩn trương nghiên cứu và có giải pháp giảm lượng rác thải đưa về xử lý tại Bãi rác tạm khu công nghiệp Khai Quang. Tuy nhiên với những thông tin mà ông Thuật cho biết ở trên, có lẽ việc di chuyển núi rác tạm đang gây ô nhiễm nặng nề này vẫn phải trải qua một hành trình rất dài nữa. Liệu lời hứa (bằng văn bản) của UBND TP. Vĩnh Yên với nhân dân thôn Mậu Thông là đến tháng 4/2019 sẽ dừng, không chuyển rác vào bãi rác tạm tại khu công nghiệp Khai Quang có thành hiện thực?
Cũng theo báo cáo của UBND TP. Vĩnh Yên gửi tỉnh UBND Vĩnh Phúc thì hiện nay, mỗi ngày bãi rác tạm ở khu công nghiệp Khai Quang tiếp nhận khoảng 108 tấn rác thải. Chi phí cho việc tập kết và xử lý rác tại đây là 76.000 đồng/1 tấn. Như vậy, chi phí xử lý rác thải của thành phố Vĩnh Yên hiện nay là khoảng 8 triệu đồng/ngày và khoảng 3 tỷ đồng/1 năm. Đơn vị thực hiện việc tập kết và xử lý rác thải là Công ty cổ phần Môi trường & Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên.
Thế nhưng dư luận băn khoăn ở chỗ, đối với trung tâm hành chính của cả tỉnh Vĩnh Phúc, lại đang phấn đấu đạt đô thị loại I như thành phố Vĩnh Yên thì con số 3 tỷ đồng/1 năm bỏ ra để xử lý rác thải liệu có quá thấp? Và thực tế thì ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc chi cho hoạt động thu gom, tập kết và xử lý rác thải mỗi năm ở thành phố Vĩnh Yên là bao nhiêu? Liệu có đúng chỉ là 3 tỷ đồng/1 năm hay không?
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.