Núi Chúa (Ninh Thuận) và Kon Hà Nừng (Gia Lai) được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới

Huy Nguyễn - Anh Dũng| 16/09/2021 18:26

(TN&MT) - Hội nghị thường niên lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO (CIC-MAB) đã thông qua việc bổ sung thêm 20 địa điểm mới ở 21 quốc gia vào Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới, cùng với việc mở rộng hai khu dự trữ sinh quyển hiện có, trong đó Việt Nam có 2 khu Núi Chúa (Ninh Thuận) và Kon Hà Nừng (Gia Lai).

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, Ninh Thuận gồm vùng rừng và biển, địa hình đa dạng, trong đó vùng bờ biển là một trong những nơi hiếm hoi được rùa biển chọn làm nơi đẻ trứng (Ảnh: Huy Nguyễn)

 

Ngày 15/9, thông cáo của UNESCO cho biết, Hội nghị thường niên lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO (CIC-MAB) đã diễn ra tại Abuja, Nigeria từ ngày 13-17/9, đúng vào dịp Chương trình MAB kỷ niệm 50 năm thành lập, đã thông qua việc bổ sung thêm 20 địa điểm mới ở 21 quốc gia vào Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới, cùng với việc mở rộng và tái phân vùng hai khu dự trữ sinh quyển hiện có.

Theo danh sách được công bố, Việt Nam có 2 Khu dự trữ sinh quyển mới là Núi Chúa (Ninh Thuận) và Kon Hà Nừng (Gia Lai).

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có diện tích hơn 37.000ha nằm ở cuối dãy Trường Sơn, phía đông bắc tỉnh Ninh Thuận, nơi có khí hậu khắc nghiệt với thời tiết khô hạn đặc trưng, trong khu vực có lượng mưa vào loại thấp nhất của Việt Nam. Ngoài Vườn quốc gia Núi Chúa có diện tích gần 30.000 ha (phần đất liền 22.513ha và vùng biển ven bờ liền kề 7.352ha), không gian Khu dự trữ sinh quyển bao gồm cả cộng đồng dân cư, thiết chế văn hóa- xã hội, không gian địa lý của 8 xã kề cận, có tổng diện tích 7.350ha.  

Voọc chà và chân đen tại Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận. (Ảnh: Huy Nguyễn)

 

Khí hậu khắc nghiệt, địa hình đa dạng gồm vùng núi, vùng biển và sa mạc đã tạo nên một kiểu mẫu của hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo của vùng Nam Trung Bộ và Việt Nam, bao gồm thảm thực vật bán khô hạn độc đáo, các bãi làm tổ của rùa biển và các rạn san hô. 

Tổng dân số sinh sống trong khu vực là hơn 447.000 người, gồm các dân tộc Kinh, Chăm, Raglai, Hoa, Tày, Nùng và Mường, tất cả đều có nền văn hóa đa dạng, truyền thống nghệ thuật, tôn giáo và kiến trúc cũng như nhiều nghi lễ và các lễ hội.

 Trong khi đó Kon Hà Nừng nằm ở vùng cao nguyên, nơi có đỉnh núi cao nhất có độ cao hơn 1.700m. Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng có diện tích hơn 65.000ha, bao gồm Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và phạm vi đất tự nhiên của các huyện Đak Đoa, Kbang, Mang Yang và thị xã An Khê... là nơi sinh sống của gần 414.000 người. 

Voọc chà vá chân xám tại VQG Kon Ka Kinh, Gia Lai (Ảnh: Ái Tâm/thienhien.net)

 

Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng cũng là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã quý hiếm như Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea), một loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp, ước tính chỉ còn khoảng 1.000 cá thể trong tự nhiên.

Khu dự trữ sinh quyển được quản lý dựa trên tri thức truyền thống của cộng đồng địa phương, trên cơ sở chính sách giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư thông, bản gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Hiện có 727 khu dự trữ sinh quyển ở 131 quốc gia, bao gồm 22 địa điểm xuyên biên giới. Các khu dự trữ sinh quyển của UNESCO hiện bao phủ hơn 5% diện tích Trái đất, trong đó các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục môi trường, nghiên cứu và phát triển bền vững được kết hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Núi Chúa (Ninh Thuận) và Kon Hà Nừng (Gia Lai) được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO