Nữ trí thức với Khoa học và Công nghệ vì sự phát triển bền vững

Mai Đan| 17/10/2019 14:02

(TN&MT) – Sáng 17/10, tại Hà Nội, Hội Nữ Trí thức Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội nghị Nữ Khoa học và Công nghệ lần thứ nhất, khu vực phía Bắc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch danh dự Hội Nữ trí thức Việt Nam; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, cùng hơn 200 đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam cho biết: Hội Nữ Trí thức Việt Nam được thành lập từ năm 2011 với 350 hội viên sáng lập. Đến nay số hội viên đã tăng lên khoảng 9 lần với hơn 3.000 hội viên, các hội viên gồm nhiều thế hệ khác nhau hoạt động trong các lĩnh vực như thương mại, báo chí. Hơn 60% hội viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên, phần lớn hội viên là những nhà khoa học và triển khai các ứng dụng nghiên cứu khoa học, nhiều kết quả nghiên cứu tốt, được ghi nhận, tôn vinh với những công trình khác nhau, được những giải thưởng khoa học trong và ngoài nước. Điều đáng mừng là những người tri thức lứa tuổi dưới 40 đã sớm ra nước ngoài, tiếp cận các hướng đi đúng, hiện đại, có sự tác động lớn đến sự phát triển kinh tế trong tương lai. Sau khi về nước họ đã được tạo điều kiện để góp phần tiếp tục và phát triển theo hướng đi đã được đào tạo để giải quyết các vấn đề của Việt Nam. Điều này cho phép những trí thức sẽ có vai trò, vị thế xứng đáng trong nền khoa học Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo bà Phạm Thị Trân Châu, hội nghị tập trung chủ yếu vào một số nội dung liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng và 6 báo cáo có tính đại diện về nhiều mặt khác nhau.

Tại hội nghị, TSKH Vũ Hoàng Linh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết: Với tỷ lệ nữ cán bộ chiếm tới 43,9% tổng số cán bộ toàn trường, Chi hội Nữ trí thức Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là một trong những chi hội trực thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam được thành lập sớm nhất và luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ lãnh đạo nhà trường.

GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam phát biểu

Theo TSKH Vũ Hoàng Linh, sự ra đời của Hội Nữ trí thức Việt Nam nói chung và chi Hội Nữ trí thức Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói riêng đã tạo thêm nhiều màu sắc phong phú góp phần động viên tinh thần say mê học tập, nghiên cứu khoa học trong các cán bộ giảng viên và sinh viên thông qua rất nhiều hoạt động như: Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề; tham gia góp ý, phản biện xã hội; tham mưu ban hành những chủ trương, chính sách đặc thù để động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ nữ trí thức phát huy tiềm năng của mình; tôn vinh nữ trí thức tiêu biểu (định kỳ tổ chức hội nghị biểu dương, tặng bằng khen cho các nữ GS, PGS, TS); trao học bổng cho nữ sinh viên xuất sắc...

TSKH Vũ Hoàng Linh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phát biểu

“Nhiều người cho rằng, khoa học tự nhiên chỉ phù hợp với phái mạnh, nhưng tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, không thể phủ nhận những thành công của đội ngũ cán bộ nữ đã đạt được trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng góp phần khẳng định vị thế của Nhà trường” – ông Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng: Giải thưởng Kovalepskaia được trao cho 2 cá nhân là Giáo sư Phạm Thị Trân Châu (năm 1988), PGS Lê Viết Kim Ba (năm 1990) cùng 3 tập thể là Tập thể Nữ bộ môn Hóa hữu cơ, Khoa Hóa học (năm 1994), Tập thể nữ nhóm nghiên cứu tính chất quang của vật liệu bán dẫn và điện môi, Khoa Vật lý (năm 2006) và mới đây là Tập thể nữ Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường (năm 2018) còn cho thấy nữ cán bộ trường Đại hoc Khoa học Tự nhiên có tầm quan trọng trong đội ngũ nữ trí thức cả nước. Các cô là điển hình cho các cán bộ có trình độ chuyên môn tốt, đoàn kết, say mê khoa học, có hướng nghiên cứu rõ ràng, luôn tích cực xây dựng, tìm kiếm đề tài, dự án và đã thu được những kết quả nổi bật trong cả nghiên cứu khoa học và đào tạo các bậc đại học, sau đại học.

GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam và Phó Chủ tịch Lê Thị Khánh Vân trao Giấy chứng nhận cho các nữ khoa học đạt giải Poster, ưu tiên cho nữ khoa học trẻ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bên cạnh phát triển kinh tế phải đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề về môi trường và các vấn đề xã hội. Bởi thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới sau một thời gian chỉ tập trung phát triển kinh tế đã phải trả giá bằng nhiều chục phần trăm GDP và nhiều năm để giải quyết các vấn đề môi trường, xã hội.

Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết về cách mạng công nghiệp 4.0. Muốn tận dụng tốt những cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm cả về xây dựng thể chế, tạo điều kiện để phát triển khoa học, công nghệ, phát huy nguồn lực con người, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo… để khoa học, công nghệ thực sự là một động lực quan trọng để phát triển đất nước trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng, về nguồn lực, trí thức Việt Nam không thua em, kém chị, nhưng chỉ số sẵn sàng cho cách mạng 4.0 của Việt Nam còn thấp (thứ 90), chúng ta chưa sẵn sàng điều kiện để tận dụng cơ hội; từ nghiên cứu đến sản xuất, kinh doanh vẫn còn khoảng cách lớn… Do đó cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ về cơ chế khuyến khích về lợi ích (thuế, tài chính, tín dụng) để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào  khoa học, công nghệ. Đồng thời, phải đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với khoa học, công nghệ theo hướng chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.

Phó Thủ tướng mong muốn các nữ trí thức sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của người phụ nữ Việt Nam để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, để tận dụng hiệu quả cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đánh giá cao vai trò của truyền thông trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn của Hội Nữ Trí thức Việt Nam, TS. Phạm Thị Mỵ, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết: Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các nhà khoa học nữ tỏ ra có ưu thế hơn lĩnh vực khoa học tự nhiên. Gần một thập kỷ qua, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã và đang thúc đẩy việc đưa các tri thức khoa học nói chung, trí thức khoa học xã hội và nhân văn nói riêng đến gần hơn với cộng đồng khoa học cũng như công chúng trong và ngoài nước. Hội Nữ tri thức Việt Nam đã chú trọng vào các phương diện truyền thông sau: Phát triển các kênh truyền thông; tạo ra mạng lưới báo chí tuyên truyền về nữ tri thức; tổ chức các sự kiện để các nữ trí thức chia sẻ, quảng bá các kết quả nghiên cứu. Tại hội nghị, các báo cáo viên cũng đã tập trung báo cáo các chuyên đề về: Nữ trí thức với chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam; Kinh tế Tuần hoàn Tài nguyên trong quản lý Rác thải sinh hoạt: Bài học từ Hàn Quốc và các thách thức tại Việt Nam; nghiên cứu áp dụng công nghệ xử lý môi trường tại làng nghề và cơ sở sản xuất nhỏ; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu và sản phẩm khoa học và công nghệ của các nhà Khoa học nữ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ trí thức với Khoa học và Công nghệ vì sự phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO