Nụ cười cho ngày Độc Lập trên sông Thạch Hãn

28/04/2015 00:00

(TN&MT) - Tại Nhà bảo tàng ở Thành cổ Quảng Trị có một bức ảnh đen trắng chụp ông lão chèo đò với nụ cười hào sảng, bên cạnh là một người con gái bồng súng; trên chiếc thuyền nan nhỏ chở những chiến sĩ giải phóng vượt sông. Khoảnh khắc đó được nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính ghi lại trong những ngày nóng bỏng nhất của cuộc chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc - 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị, năm 1972.

Bức ảnh “Cha con lão ngư dân Triệu Phong chở bộ đội và vũ khí tiếp sức cho Thành cổ” do nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính chụp năm 1972.
Bức ảnh “Cha con lão ngư dân Triệu Phong chở bộ đội và vũ khí tiếp sức cho Thành cổ” do nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính chụp năm 1972.

17 tuổi, tự nguyện chèo đò đưa bộ đội qua sông

Tiểu khu 5, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - nơi ở của bà Nguyễn Thị Thu - người con gái trong bức ảnh của nghệ sĩ Đoàn Công Tính, giờ yên bình bên dòng Thạch Hãn. Xế chiều, chúng tôi tìm đến khi bà Thu đang lúi húi làm việc. Nhắc lại những ký ức, người phụ nữ đậm người có nụ cười rất hiền ấy đã kể về những tháng ngày mà xóm làng ngập trong khói lửa chiến chinh.

Khi chiến sự ở Thành cổ Quảng Trị xảy ra những hồi ác liệt nhất, bà Thu mới vừa 17 tuổi - vừa tham gia du kích được 3 tháng, cùng bố chồng là ông Nguyễn Con (lúc đó 57 tuổi, người đàn ông chèo đò trong bức ảnh) xung phong đưa bộ đội qua sông.

Bên kia dòng Thạch Hãn là Thành cổ, nơi cuộc chiến đang ác liệt từng ngày, bên này là làng Giang Hến, làng Tiền nơi xóm làng tác tan vì chiến sự. Bến đò làng Tiền, gần nơi cha con bà Thu sinh sống thường chịu sự oanh tạc dữ dội của máy bay địch. Chứng kiến cảnh bộ đội tìm cách vượt sông, vượt bom đạn vào Thành cổ trong nguy hiểm, bà Thu cùng bố chồng đã tự nguyện đưa đò chở các chiến sĩ. Vì, "Nếu mình không chở thì ai chở các chú qua sông. Sông nước, địa bàn với mình thì quen, nhưng mấy chú từ xa tới, làm sao biết rõ bằng mình được"- bà Thu nói.

Từ ngày 28/6/1972, bắt đầu 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt tại Thành cổ. Bộ đội cùng vũ khí, đạn dược được tích cực chi viện cho chiến trường, trong khi con đường duy nhất là vượt sông Thạch Hãn, việc vận chuyển gặp không ít khó khăn. Những quãng sông từ xã Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Thành…(huyện Triệu Phong), trở thành nơi túi bom đạn, chịu sự oanh tạc ác liệt của địch. Bến đò làng Tiền (xã Triệu Giang) nơi có ông lão chèo đò 60 tuổi cùng người con dâu tên Thu trở thành "địa chỉ đỏ" để bộ đội vượt sông an toàn.

17 tuổi, giữa lúc bom đạn đánh phá ác liệt, bà Thu và bố chồng đều đặn điều khiển những chuyến đò vượt sông tiếp sức người, sức của cho cuộc chiến phía bên kia dòng gianh; đưa thương binh trở về. Bà Thu vốn là dân sông nước, bố chồng cũng là người tay quen mái chèo. Những chuyến đò đưa các chiến sĩ qua sông đều trọn vẹn, an toàn.

Bà Thu nhớ lại, "Bây giờ cũng không nhớ nổi mình đã đưa được bao nhiêu chuyến đò, cũng không nhớ được số lượng bộ đội được đưa qua sông. Chỉ nhớ, cứ có bộ đội đến là đưa đò, một chuyến thường chở theo 10 người. Đều đặn, ngày đêm cho đến khi nào xong thì thôi".

Bức ảnh lịch sử và nụ cười cho ngày Độc lập

Du khách bước chân vào Thành cổ, trong nhà Bảo tàng là bức ảnh “Cha con lão ngư dân Triệu Phong chở bộ đội và vũ khí tiếp sức cho Thành cổ” do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính ghi lại. Và lời của người hướng dẫn viên đều đều như một cuốn phim quay chậm về những ngày của lịch sử: "Và trong mưa bom bão đạn, khi sự sống và cái chết đang gần kề gang tấc, vẫn còn đó “nụ cười thách thức bom đạn”… Không những nụ cười của những anh lính giải phóng quân mà còn có “nụ cười của ông lão ngư dân Triệu Phong” ngày đêm đưa bộ đội sang sông Thạch Hãn. Không biết bao chuyến đò mỗi ngày, bao nhiêu anh lính được ông đưa vào chi viện cho Thành cổ Quảng Trị.

Bà Nguyễn Thị Thu bên bức ảnh lịch sử của mùa hè năm 1972.
Bà Nguyễn Thị Thu bên bức ảnh lịch sử của mùa hè năm 1972.

Bức ảnh đó được chụp năm 1972, khi trong số những chiến sĩ giải phóng được bà Thu và bố chồng đưa qua sông vào Thành cổ có Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính. Và cho đến 35 năm sau (tức năm 2007), trong một lần trở về chiến trường xưa, nhà thơ Lê Bá Dương - Người đã sáng tác bài thơ "Đò lên Thạch Hãn" cùng Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính mới tìm thấy được o du kích chèo đò năm nào. "Ngày đó có gặp lại chú Đoàn Công Tính, ai nấy đều nghẹn ngào. Tui không hề biết bức ảnh cha con mình lại được nhiều người biết đến như vậy, ngay ở nhà cũng không có treo. Chuyện ngày xưa rồi, biết bao người đã anh dũng hi sinh cho ngày Độc lập, công sức mình bỏ ra cũng chẳng sá gì"- bà Thu tâm sự.

Chiến tranh, sống chết chỉ trong gang tấc, nhưng từ các chiến sĩ vượt sông cho đến cha con bà Thu chưa bao giờ một lần nghĩ đến việc lùi bước, mà nụ cười hào sảng luôn thường trực trong họ. Bà Thu nhớ lại: "Những ngày ác liệt, tôi liên tục cùng bố chồng chở các chú bộ đội qua sông. Các chú đều nói giọng Bắc, ai cũng rất trẻ và vui tính. Cứ lên đò là nở nụ cười. Trong khi đó, phía bờ bên kia luôn ỳ ùng tiếng bom. Thỉnh thoảng bom đạn lại nổ ngay ở mặt sông, thuyền chao đảo chồng chềnh nhưng không ai mất đi nụ cười".

Làm công việc chèo đò đưa bộ đội qua sông cho đến ngày Quảng Trị được giải phóng. Bà Thu cùng chồng là ông Nguyễn Câu, con trai ông Nguyễn Con về sống tại làng Giang Hến, xã Triệu Giang (nay là tiểu khu 5, TT. Ái Tử, huyện Triệu Phong) và làm công việc cào hến kiếm sống như dân làng bao đời. "Trước đây, chứng kiến tội ác của quân giặc, những người dân như chúng tôi chỉ biết nuôi chí căm thù, đến khi có cơ hội phục vụ cách mạng là làm hết sức, chỉ mong được cười to trong ngày Độc lập. Bây giờ hòa bình, mình cũng gắng sức xây dựng quê hương, đất nước"- bà Thu bộc bạch.

Được biết, hiện bà Thu cũng không làm được các chế độ liên quan đến thời gian chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở quê nhà do mất hết giấy tờ và các nhân chứng cũng đã mất.

Bài và ảnh: Hải Tân – Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nụ cười cho ngày Độc Lập trên sông Thạch Hãn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO