Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là rác nhựa đại dương là mối quan tâm lớn của toàn cầu |
Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, khoảng 10% là chất thải nhựa và số lượng này ngày càng gia tăng, gây nhiều nguy hiểm cho môi trường.
Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, thất thoát rác thải nhựa không chủ đích vào môi trường nước của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 106% từ 2021 đến 2030.
Việt Nam và các nước trên thế giới đang nỗ lực hành động và thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu rác thải nhựa. Thông qua Diễn đàn Kinh tế thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia Chương trình Đối tác Hành động Toàn cầu về Nhựa với Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP Việt Nam).
Chương trình tập hợp, kết nối để quy tụ các chủ thể thuộc Nhà nước, tư nhân và xã hội cùng gắn kết theo một cách tiếp cận chung nhằm giải quyết vấn đề chất thải nhựa và ô nhiễm nhựa, đồng thời, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững đối với ngành nhựa.
Bà Kristin Hughes, Giám đốc Chương trình Đối tác Toàn cầu về Nhựa, Diễn đàn Kinh tế Thế giới chia sẻ: Một trong số các nhiệm vụ quan trọng của NPAP là xây dựng và giới thiệu lộ trình hành động quốc gia.
Vấn đề này, được nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước của các lĩnh vực đồng thuận, đưa ra các giải pháp đổi mới hệ thống quản lý mà Việt Nam cần thực hiện nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại đương.
Chương trình NPAP sẽ chuyển kế hoạch thành hoạt động thông qua 6 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: Đề xuất chính sách; tháo gỡ rào cản tài chính; chuyển đổi hành vi; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đồng bộ đo lường; thúc đẩy tính toàn diện.
Trong đó, xác định các chính sách và khuôn khổ quy định cho phép tạo môi trường hỗ trợ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm và chất thải nhựa; chuyển đổi và hỗ trợ các nỗ lực cần thiết để tháo gỡ những rào cản chính sách và các đầu tư giảm thiểu rủi ro trong nền kinh tế tuần hoàn về nhựa.
Hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp hình thành các mối quan hệ với nhựa một cách bền vững hơn; mang lại tầm nhìn về những cải cách đổi mới trong suốt chuỗi giá trị nhựa và cho phép chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.
Triển khai công cụ đánh giá cơ sở để tạo ra phân tích dữ liệu đột phá về dòng chất thải nhựa; áp dụng tính toàn diện như một phần xuyên suốt các lĩnh vực của GPAP, coi sự đa dạng là chìa khóa của thành công.
Bên cạnh đó, NPAP đã đề ra lộ trình hành động giảm thiểu, thay thế trong sản xuất và tiêu dùng nhựa giúp giảm được 26% lượng nhựa trong năm 2030, tương đương với 2,61 tấn nhựa.
Thay đổi thiết kết sản phẩm, bao bì nhựa và thúc đẩy khâu tái chế đạt được giá trị kinh tế thông qua các công cụ về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; tăng cường hệ thống thu gom chất thải rắn sinh hoạt lên 100% tại khu vực thành thị và 90% tại khu vực nông thôn vào năm 2030.
Tăng gấp đôi năng lực tái chế lên đến 1,8 triệu tấn năm 2030; tăng năng lực xử lý của các bãi rác kỹ thuật tiêu chuẩn thêm 170 triệu tấn và dừng việc thải bỏ chất thải tại các bãi rác lộ thiên vào năm 2028.
Ông Tâm Nguyễn, Chuyên gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá, khởi động NPAP tại Việt Nam là một bước tiến cực kỳ quan trọng để chống ô nhiễm nhựa đại dương. NPAP cùng lộ trình hành động nhằm hỗ trợ Chính phủ tăng cường gấp đôi hiệu quả của những nỗ lực hiện nay và tiếp tục thúc đẩy những can thiệp mới để hỗ trợ các mục tiêu giảm thiểu nhựa đại dương.