Trước đó, ngày 26/08/2019, Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử đăng bài “Nông Cống (Thanh Hóa): Doanh nghiệp Hồng Ngọc ngang nhiên phá núi làm đường trái phép”, phản ánh về việc khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép, nhưng Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc ngang nhiên đưa máy xúc cùng hàng chục công nhân vào phá núi Hoàng Sơn.
Tiếp đó, ngày 30/08/2019, báo tiếp tục đăng bài “Nông Cống (Thanh Hóa): Doanh nghiệp Hồng Ngọc xây dựng vi phạm Luật đất đai”, thông tin sự việc Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc tự ý xây dựng nhà để xe, lắp đặt trạm biến thế vi phạm Luật đất đai.
Sai phạm không chỉ dừng lại ở đó, tại điểm mỏ của đơn vị đã và đang tồn tại nhiều bất cập và sai phạm liên quan đến khai thác không đúng với thiết kế được phê duyệt, quy trình bảo vệ môi trường đối với các khu vực xung quanh trong quá trình hoạt động chưa đảm bảo. Điều này, không những gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân lân cận, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động.
Theo Giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất số 44/GP-UBND ngày 30/01/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa cho Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc, đơn vị được phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống. Trong đó, diện tích mỏ là 50.000m², trữ lượng khai thác 586.670m³, công suất khai thác 20.000m³/năm, thời hạn khai thác 30 năm.
Tại Điều 2 của giấy phép nêu rõ: Trong quá trình khai thác, phải thực hiện đúng và đầy đủ phương pháp, quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ, an toàn vật liệu nổ. Phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động và các quy trình khách có liên quan trong khai thác mỏ.
Quy định được nêu rõ ràng, nghiệm ngặt là vậy, nhưng trên thực tế, theo quan sát của PV tại mỏ đá của Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc: Trong khi điều kiện địa hình của mỏ đá vôi, làm việc liệu xây dựng rất phức tạp, cheo leo, cao nguy hiểm, nhưng đơn vị chưa có công nghệ khai thác hiện đại (công nghệ cắt dây) để thay thế công nghệ khai thác khoan, nổ mìn hiện đang sử dụng. Từ chân núi nhìn lên vách đá dựng đứng chừng 50m, đơn vị chưa làm đường lên mỏ để khai thác theo kiểu cắt tầng, phân lớp, làm từ đỉnh xuống chân núi. Phía dưới là trạm xay nghiền đá không được phun tưới nước gây bụi mù mịt, gây ô nhiễm môi trường đến khu vực xung quanh. Cùng với đó là hàng chục công nhân đang làm việc không có trang bị bảo hộ lao động. Vật liệu được đơn vị tập kết cao như núi nằm sát nhà dân, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.
Một người dân thôn Hồi Cù cho biết: Mỗi khi có gió thổi, khu vực xung quanh trở nên bụi mù mịt. Tiếng ồn từ việc nổ mìn, xay nghiền, xe cộ ra vào mỏ làm ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của người dân nơi đây. Ban ngày nhà nào cũng phải đóng kín cửa vì sợ bụi bay vào nhà, anh chị thấy đấy, phía sau nhà là mỏ đá, phía trước là bãi tập kết đá, vậy làm sao mà chúng tôi sống yên ổn được.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Lê Đình Nhiều, Chủ tịch UBND xã Hoàng Sơn cho biết: Việc Doanh nghiệp Hồng Ngọc khai thác đá chưa đúng với thiết kế mỏ như khai thác vách đứng, chưa làm đường lên mỏ, chúng tôi biết và đã nhắc nhở đơn vị họ thực hiện cho đúng quy định.
Ông Lê Đình Nhiều cho biết thêm: Ngay sau khi báo phản ánh việc Doanh nghiệp xẻ núi làm đường trái phép, thì UBND xã đã tiến hành kiểm tra lập biên bản và xử phạt đơn vị 5 triệu đồng, nhưng khi phóng viên đề nghị tiếp cận Quyết định xử phạt hành chính thì ông Nhiều cho biết không thể cung cấp cho cơ quan báo chí?.
Trước tình trạng Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc liên tục sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, thì chính quyền địa phương xã Hoàng Sơn lại thờ ơ, chậm trễ xử lý khiến nhân dân nơi đây vô cùng bức xúc. Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng kiểm tra, xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trên.