Non sông một dải, nhân tâm một lòng

Phương Anh| 30/04/2020 08:31

(TN&MT) - Non sông một dải, nhân tâm một lòng - Khát vọng lớn lao ngàn đời của dân tộc Việt Nam càng cần được hun đúc và bồi đắp trong thời điểm hiện nay.

Đổi mới - cụm từ đến nay nghe đã thân thuộc và tự hào, bởi sức sống tươi mới, mãnh liệt với thành quả rực rỡ mang lại trên đất nước Việt Nam. Từ hơn ba thập kỷ trước, hai chữ ấy hãy còn vẹn nguyên sự mới mẻ, thậm chí, bối rối, lo âu và hoài nghi. Nhưng trong thời khắc khó khăn đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự tin khẳng định đường lối đổi mới và giương cao ngọn cờ để đất nước tiến lên.

Ý Đảng lòng dân muôn năm bền chặt

Suốt 90 năm lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn hòa cùng hơi thở và mạch sống của nhân dân. Ý Đảng hợp lòng dân tạo nên sức mạnh quật khởi, đưa Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Nhân dân luôn tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ. Niềm tin mãnh liệt ấy đã nhân lên thành sức mạnh, để từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của Cách mạng nước ta, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc, một dấu mốc trọng đại trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, mở ra bước ngoặt lớn, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và kiên cường của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Sự nghiệp kháng chiến trường kỳ kéo dài trong suốt chín năm của nhân dân Việt Nam (1945 - 1954), đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp.

Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã làm rạng rỡ lịch sử dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa thời đại to lớn, cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các nước thuộc địa vùng dậy đấu tranh     giành quyền độc lập, tự do, mở đầu giai đoạn sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, đồng thời, chấm dứt ách thống trị thực dân Pháp trong gần một thế kỷ trên đất nước ta; miền Bắc được giải phóng, chuyển sang giai đoạn Cách mạng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở để nhân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trải qua 21 năm (1954 - 1975) kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân 1975 lịch sử.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi là sự kiện vỹ đại nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Từ đây, đất nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, tự do và thống nhất.

Ảnh minh họa

Xây thế - tạo lực…

Lực đẩy thế hay thế tạo lực, thật khó tách rời từng phạm trù. Chỉ có thực tiễn là minh chứng không thể phủ nhận khi đồng thời với tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng vững mạnh.

Từ một đất nước vốn chỉ được biết đến với chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu, hơn 30 năm “vượt sóng” vươn lên trên chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế đã tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước khẳng định vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Nhìn lại chặng đường đổi mới của đất nước, còn đó những bước thăng trầm. Tính từ khi bắt tay vào đổi mới, sau cuộc khủng hoảng kinh tế thứ nhất (khoảng 1980 - 1981), Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước gồm vài ba chục nước có thu nhập thấp nhất thế giới (kém phát triển) sang nhóm nước đang phát triển (có thu nhập thấp).

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thứ hai (1998), Việt Nam đã chuyển từ một nước mở rộng cửa trong nước sang mở rộng cửa hội nhập với thế giới. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thứ ba (2007 - 2008), vượt lên tất cả, bằng một niềm tin sắt son vào con đường đã lựa chọn, toàn bộ hệ thống chính trị quốc gia luôn trong tâm thế một lòng.

 Ba mươi tư năm, Việt Nam vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình, an ninh chính trị xã hội được giữ ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Chúng ta đã trở thành quốc gia với gần 100 triệu người, với mức thu nhập bình quân 2.800 USD/người. Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, tham gia và đóng góp tích cực vào cộng đồng quốc tế.

Như lời khẳng định định của, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Với tất cả những kết quả đó, có cơ sở để khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế và uy tín như hiện nay”.

Ảnh minh họa

Và những quyết định lịch sử giữa thời bình

Sau 45 năm đất nước hòa bình lập lại, Đảng, Chính phủ ta lại mới dùng đến cụm từ “chống giặc” trong những văn bản chỉ đạo chính thức của mình trước đại dịch COVID-19.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19”. Lời hiệu triệu sâu sắc đã nhấn mạnh thông điệp về đoàn kết: “Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

Với những kết quả diễn ra suốt những tháng qua và đặc biệt là những ngày gần đây cho thấy những giải pháp và chiến thuật hiệu quả của Việt Nam khi “đánh giặc” vô hình COVID-19. Nhân dân từ hoang mang lo lắng, hoảng loạn, thậm chí, sợ hãi đã nhanh chóng lấy lại cân bằng và an tâm tin tưởng hơn khi chúng ta nhanh chóng khoanh vùng và cách ly những người nhiễm dịch cũng như các đối tượng nghi nhiễm. Điều này càng khẳng định, Đảng, Chính phủ đang tập hợp được sức mạnh đoàn kết của toàn dân để cùng chiến đấu với giặc COVID-19.

Niềm tin lúc này là một thứ tài sản vô cùng quý báu, bởi nó là nguồn lực và sức mạnh. Niềm tin cũng là minh chứng cho kết quả của sự đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc, đồng lòng, chung sức trong cuộc chiến chống đại dịch.

Chúng ta không phải là quốc gia mạnh nhất thế giới nhưng trong cuộc chiến chống COVID-19, Việt Nam có được niềm tin cao nhất của nhân dân. Bởi vì, Việt Nam luôn đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Việt Nam biết mình, biết ta, biết sự phức tạp và nghiêm trọng của dịch bệnh nên không chủ quan. Mỗi bước đi đều căng mình trong thận trọng nhưng vô cùng quyết liệt. Khi thế giới ở nơi này, nơi khác còn chưa có sự chuẩn bị, còn chần chừ chọn lựa giữa bảo vệ sức khỏe và bài toán kinh tế, Việt Nam đã sẵn sàng hành động.

Thực tế, bên cạnh "mặt trận" chống dịch COVID-19, mặt trận "kinh tế" cũng rất được quan tâm. Bằng chứng là hàng loạt chính sách hỗ trợ, người dân, doanh nghiệp đã được triển khai. Cùng với đó là những giải pháp duy trì tăng trưởng đã được đưa ra như đẩy mạnh đầu tư công, cải cách hơn nữa thủ tục hành chính... làm bệ đỡ và thúc đẩy các ngành sản xuất, kích hoạt đầu tư tư nhân.

“Giờ là lúc chung sức, đồng lòng, cố gắng gấp ba" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để nắm bắt cơ hội và sẵn sàng bứt phá vượt qua khó khăn do đại dịch.

Nhìn lại hành trình phát triển và mở mang đất nước, bờ cõi xứ sở của chúng ta đã mở rộng theo bước chân hành trình phương Nam, theo những cánh buồm của người Việt lênh lênh trên biển lớn. Đất nước đã thành một dải đất thon thả kéo dài từ Mục Nam Quan tới rừng đước Năm Căn ra nơi Đất Mũi trên đất liền, rồi mở mang ra cả vùng biển, những Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa, Hoàng Sa… Quá trình này đã định hình hình thể đất nước từ đầu thế kỷ 17 đến khoảng giữa thế kỷ 18 thì hoàn tất như ngày hôm nay…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Non sông một dải, nhân tâm một lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO