Đất đai

Nói rõ, nói chậm khi làm “sổ đỏ”

Việt Hải 11/07/2023 - 09:41

(TN&MT) - Hiện tượng người dân các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị một số đối tượng lừa chiếm quyền sử dụng đất đặt ra yêu cầu với các cơ quan chức năng địa phương về giải pháp bảo vệ quyền lợi của dân trong quá trình thực thi các thủ tục hành chính về thế chấp vay vốn, cấp, chuyển quyền sử dụng đất...

Một số địa phương thuộc các huyện miền núi Gia Lai, Kon Tum thời gian qua xảy ra tình trạng kẻ xấu lợi dụng bản chất cả tin, thật thà và sự thiếu hiểu biết, không biết chữ của đồng bào nên đã dễ dàng chiếm đoạt đất sản xuất của dân bằng những thủ đoạn núp bóng lương thiện như “Giúp vay vốn ngân hàng”; “Nhận làm giúp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Những hành vi “giúp đỡ” này là cái cớ “tốt đẹp” mở đầu cho những vụ lừa đảo “đàng hoàng” bởi rõ ràng, có chữ ký (hoặc điểm chỉ) của chủ sử dụng đất, hoặc có mặt cả đôi bên cùng thực hiện thủ tục.

dat-dai.jpg

Bài của kẻ lừa đảo sẽ là xuất phát từ việc đồng bào cần vay vốn ngân hàng để làm ăn nhưng không biết chữ, không biết tiếng phổ thông nên đã giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các đối tượng chủ động lừa đảo để nhờ làm thủ tục vay vốn. Chúng đã lợi dụng điều này để vay nhiều hơn gấp nhiều lần số tiền bà con cần vay rồi ôm tiền bỏ trốn.

Một hình thức lừa đảo khác là đối tượng thuê đất của người dân để sản xuất, trong quá trình làm thủ tục, lợi dụng người dân không biết chữ, không biết tiếng phổ thông, chúng đã biến giấy tờ thuê đất thành mua bán rồi đưa họ tới phòng công chứng làm thủ tục sang nhượng đất để người dân điểm chỉ hoàn tất thủ tục.

Có trường hợp đối tượng gợi ý làm giúp “sổ đỏ” với điều kiện đối tượng được đứng tên trên bìa đỏ để thuận tiện làm thủ tục. Sau khi có “sổ đỏ”, chúng mang thế chấp vay tiền ngân hàng hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác.

Trên đây chỉ là điểm mặt một số thủ đoạn quen thuộc trong khá nhiều trò mà kẻ xấu đã thực hiện để lừa đảo chiếm quyền sử dụng đất của bà con. Việc lừa đảo dễ đến nỗi có những hộ gia đình rất lâu sau mới biết mình mất quyền làm chủ, thậm chí, ngay trên mảnh đất họ đang sinh sống thì quyền sử dụng cũng đã thuộc về người khác.

Dĩ nhiên, phần “thua” thuộc về bà con mất đất, đôi khi còn gánh thêm một gánh nợ tai bay vạ gió. Đến chính quyền và cơ quan chức năng cũng bó tay không thể giúp bởi cơ sở pháp lý rất đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, nói như vậy đồng nghĩa với việc, những người có lợi thế hiểu biết hơn chấp nhận để cho cái xấu hoành hành và không có một giải pháp nào ngăn chặn?!

a2-sua.jpg

Trong một trao đổi với cơ quan pháp luật, cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh huyện Chư Pảh đã không giấu được bức xúc cho biết, để xảy ra tình trạng trên có một phần chai lì phản xạ ở những người làm công tác cấp, đổi, sang tên… quyền sử dụng đất tại chính địa phương.

Đúng quy trình, đủ chứng cứ, thủ tục, điều kiện… nhưng thiếu đi sự hiểu biết về tình trạng, chất lượng dân cư và những câu hỏi thể hiện sự nhạy bén trong nghề. Cán bộ tiếp nhận, xử lý hồ sơ thừa hiểu những người có đất thực hiện sang tên đổi chủ là đồng bào dân tộc thiểu số thì thường trong số đó, một số người không biết chữ, không sõi tiếng phổ thông. Đối với các hồ sơ cấp lần đầu, cán bộ cần yêu cầu không được viết hộ mà phải do đồng bào tự viết hoặc phải là cán bộ viết cho dân, cần thiết có sự làm chứng của cán bộ thứ hai.

Đối với trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải yêu cầu sự có mặt của hai bên, hỏi thật kỹ thật rõ xem mục đích họ có biết ký hợp đồng này là hợp đồng gì không? Ký với mục đích gì? Ký để vay vốn hay ký để bán đất? Nếu vay thì vay bao nhiêu?

Quá trình trao đổi thông tin với bà con, cán bộ hãy dùng những từ thật dễ hiểu, những cụm từ “sang tên”, “chuyển nhượng quyền sử dụng”… sẽ khó hình dung so với dùng từ “bán”. Cũng cần hỏi rõ nếu bán thì bán bao nhiêu mét, giải thích cho bà con biết đã bán rồi là của người khác, mình không được làm gì trên đất đó nữa; cán bộ ngoại vụ thực hiện đo đạc cũng cần phải hỏi cho kỹ để đo cho đúng ý bà con, trường hợp có gian lận sẽ dễ bề phát hiện.

Hỏi cho thật kỹ, giải thích thật chậm, thật rõ, dùng từ cho thật dễ hiểu… sẽ thực sự mất thời gian và khó khăn hơn cho những cán bộ thực thi nghiệp vụ. Trên thực tế, chưa có thù lao nào cho cán bộ ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi thực hiện “nhiệm vụ đặc biệt” này.

Nên chăng, với những vùng đặc thù, cần áp dụng thêm chính sách thực hiện các nhiệm vụ đặc thù, đồng thời, trong một số trường hợp, đừng yêu cầu quá gắt gao tiến độ thời gian đối với cán bộ địa phương, bởi thời gian ở đây đôi khi được đổi lại bằng quyền và lợi ích sát sườn của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nói rõ, nói chậm khi làm “sổ đỏ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO