Kinh tế

Nỗ lực vực dậy sản xuất nông nghiệp sau bão, lũ

Trung Nguyên 30/09/2024 - 21:58

(TN&MT) - Thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính riêng thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra ước tính cho các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp) là trên 30.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng thiệt hại về kinh tế.

Chỉ riêng nông nghiệp, đã có 284.472 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 61.114 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.188 ha cây ăn quả bị hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại; 35.029ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết. Tình cảnh này đẩy nông dân vào thế mất đi sinh kế, gần như mất trắng toàn bộ sản nghiệp đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Thu nhập mùa vụ này không còn và đáng lo nhất là không có nguồn vốn tái sản xuất, trong khi các khoản nợ đầu vào sản xuất vẫn còn đó.

Tại Hội nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố sau bão, lũ hôm 28/9 vừa qua, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Khảo sát tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 cho thấy nhiều trang trại bị tốc mái, đổ tường, và hệ thống điện cung cấp cho các trang trại bị phá hủy, khiến không thể cung cấp điện kịp thời. Đàn vật nuôi không có mái che, gặp mưa nên chết nhiều. Các trang trại ở vùng ngập lụt không kịp di dời vật nuôi do nước lũ dâng nhanh, dẫn đến thiệt hại lớn về gia súc, gia cầm.

anh2.jpg
Nước lũ dâng nhanh gây thiệt hại lớn về đàn gia súc, gia cầm

Ngoài ra, các khu vực bị sạt lở, chuồng trại hư hỏng nặng, vật nuôi bị thiệt hại nhiều. Một số vùng còn bị cô lập, cơ sở hạ tầng bị phá hủy khiến việc tiếp cận, đánh giá thiệt hại và thực hiện công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Ông Đăng đề xuất Bộ NNPTNT trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân bị thiệt hại, bao gồm việc giãn, hoãn, giảm thuế, lệ phí; hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cấp vốn vay để khôi phục sản xuất kinh doanh.

"Đây là thời điểm để ngành chăn nuôi chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững. Thiên tai là rủi ro, nhưng chúng ta có thể coi đó là cơ hội để tái định hướng ngành. Ví dụ như sau dịch tả lợn châu Phi, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà người chăn nuôi cũng đã thay đổi quan điểm về an toàn sinh học", ông Đăng nhấn mạnh.

Không chỉ ngành chăn nuôi, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để chủ động khôi phục sản xuất nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi và phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phục hồi cây trồng, vật nuôi sau bão; chỉ đạo, hướng dẫn, khảo sát thực địa, hỗ trợ các địa phương ổn định dân cư, tái định cư cho nhân dân vùng bị thiệt hại sau bão.

anh1.jpg
Nhiều nông dân mất trắng mùa vụ do bão lũ

Đồng thời, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại sau bão và chỉ đạo khôi phục sản xuất nông nghiệp, tái định cư cho nhân dân vùng bị thiệt hại; kịp thời tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị chuyên đề theo từng lĩnh vực để bàn giải pháp khắc phục hậu quả do bão gây ra và kêu gọi ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và huy động các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước để hỗ trợ, khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Đặc biệt, Bộ chỉ đạo và huy động hơn 20.000 lượt cán bộ khuyến nông xuống địa bàn, đến từng hộ dân bị ảnh hưởng để trực tiếp hướng dẫn khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất theo tinh thần “nước rút đến đâu, khôi phục sản xuất đến đó”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng hỗ trợ các địa phương giống cây trồng (Hưng Yên 8 tấn hạt giống ngô), hoá chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh trong nông nghiệp; đang trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 89,54 tấn hạt giống các loại; huy động nguồn xã hội hoá hỗ trợ 70 tấn hạt giống cho các địa phương; Hướng dẫn các biện pháp xử lý chuồng nuôi, lồng bè, đất bị vùi lấp, vệ sinh môi trường trước khi trồng, nuôi trở lại; các giải pháp khắc phục hậu quả sau bão lũ thuộc tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại và phục hồi sản xuất; Đã phát hành hơn 100.000 bản tờ gấp tới người nông dân ở các vùng bị ảnh hưởng; đăng tải trên website Khuyến nông Việt Nam và tham gia các tọa đàm, diễn đàn hướng dẫn kỹ thuật trên báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài khoản tiền hỗ trợ được kêu gọi từ Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ và cam kết hỗ trợ khoảng 217,4 tỷ đồng để khôi phục sản xuất nông nghiệp.

crawl-2024092917172487-20240929171724103.jpg
Doanh nghiệp cam kết ủng hộ giống, vật tư nông nghiệp và kinh phí phục hồi sản xuất nông nghiệp tại Hội nghị sáng 28/9

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 10.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho các địa phương, tập trung hỗ trợ dân sinh, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, nhất là các công trình xung yếu, bị thiệt hại trong đợt mưa lũ; tu sửa, khắc phục đường giao thông, cơ sở y tế, giáo dục, phục hồi sản xuất nông nghiệp, sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn... Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan sớm có ý kiến, phê duyệt để các địa phương tiếp nhận được hạt giống kịp thời đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực vực dậy sản xuất nông nghiệp sau bão, lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO