Cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy gồm 5 công trình: Cống Vân Cốc, cống Cẩm Đình, cống Hiệp Thuận, đập Đáy, kênh dẫn Cẩm Đình - Hiệp Thuận. Năm công trình này nằm trên địa bàn các huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ và có nhiệm vụ: Chủ động đưa nước từ sông Hồng vào sông Đáy trong mùa kiệt (từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau) phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, với lưu lượng tối đa 100m3/giây; đưa nước thường xuyên từ sông Hồng vào sông Đáy trong mùa lũ (từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm), với lưu lượng tối đa 450m3/giây nhưng không làm ngập các bãi sông nơi có các hoạt động kinh tế, không làm ngập bãi Vân Cốc…
Đặc biệt, khi xuất hiện lũ có chu kỳ lớn hơn 500 năm trên hệ thống sông Hồng hoặc khi xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều khu vực nội thành Hà Nội, sự cố trong quản lý điều hành hồ chứa, cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy có nhiệm vụ chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy, với lưu lượng tối đa 2.500m3/giây…
Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn cụm công trình, ngày 7-11-2008, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập lại Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy. Ban chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Sở NN&PTNT Hà Nội và chịu sự kiểm tra công trình của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT)... Ban được Sở NN&PTNT Hà Nội giao nhiệm vụ thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, chống xuống cấp, vận hành công trình đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn, hiệu quả khi có lệnh của cấp có thẩm quyền; đưa nước sông Hồng vào sông Đáy một cách chủ động qua hệ thống cống Cẩm Đình, cống Hiệp Thuận và kênh dẫn Cẩm Đình - Hiệp Thuận để duy trì dòng chảy thường xuyên, làm sống lại dòng sông Đáy…
Ông Nguyễn Văn Hữu, Giám đốc Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy cho biết: Những năm đầu thực hiện nhiệm vụ đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong vận hành, bảo đảm an toàn công trình. Do công trình cống Vân Cốc và đập Đáy được xây dựng và đưa vào sử dụng từ lâu nên phần lớn các thiết bị đã cũ, lạc hậu và xuống cấp. Bên cạnh đó, nhiều vị trí bảo vệ công trình bị lấn chiếm, xâm hại…
Trước thực trạng đó, Ban đã tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố đầu tư kinh phí thay thế máy phát điện dự phòng công trình đập Đáy và Vân Cốc; cải tạo sân tiêu năng đập Đáy; xây dựng kè bờ tả hạ lưu đập Đáy; cải tạo, nâng cấp, xây dựng nhà điều khiển trung tâm… Trong 10 năm được thành lập lại, Ban luôn được Sở NN&PTNT Hà Nội quan tâm chỉ đạo và bổ sung đội ngũ cán bộ, viên chức có trình độ kỹ thuật, nắm chắc quy trình, quy phạm duy tu, bảo dưỡng và vận hành an toàn công trình…
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy luôn chủ động kiểm tra bảo dưỡng, thay thế, sửa chữa hệ thống điện, các thiết bị điều khiển, đo lường, tu bổ công trình thủy công... Trong quá trình duy tu, bảo dưỡng và vận hành, Ban đã kịp thời căn chỉnh các sai lệch, khắc phục hư hỏng phần cơ khí, nâng cao mức độ an toàn phần điện để bảo đảm công trình vận hành an toàn... Ngoài ra, Ban đã chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra, giải tỏa các vi phạm trên kênh dẫn Cẩm Đình - Hiệp Thuận như thả đăng, đó, vó bè gây cản trở dòng chảy trên kênh; trồng cây, làm lều lán trên bờ kênh...
Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng và vận hành an toàn công trình, trong 10 năm qua, Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy được các cấp, ngành của TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT đánh giá cao những đề xuất, kiến nghị phương án cải tiến kỹ thuật, nâng cao tuổi thọ cụm công trình… Ghi nhận những đóng góp đó, Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua, Bằng khen của UBND thành phố... Đặc biệt, năm 2018, Ban vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
“Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành cụm công trình trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, Ban đề nghị các cấp, ngành giữ nguyên mô hình tổ chức và hoạt động của đơn vị như hiện nay; đồng thời, triển khai các dự án sửa chữa, cải tạo, duy tu, bảo dưỡng công trình đầu mối phân lũ sông Đáy theo Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy”... ông Nguyễn Văn Hữu nhấn mạnh.