Xã hội

Nỗ lực giảm nghèo ở huyện vùng biên Trùng Khánh

Việt Anh 22/02/2024 - 21:43

(TN&MT) - Trùng Khánh là một trong những huyện vùng biên nghèo của tỉnh Cao Bằng. Việc giảm nghèo ở huyện trước đây không hề dễ dàng bởi những khó khăn về điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cùng với việc chú trọng phát triển mô hình kinh tế liên kết, hình thành các HTX kiểu mới dựa vào những cây đặc sản, nhờ đó, kinh tế nông nghiệp, kinh tế của huyện đã có nhiều biến chuyển tích cực, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm dần theo thời gian.

Lồng ghép nguồn vốn để giảm nghèo bền vững

Theo thống kê, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trùng Khánh là trên 28% (tương đương 5.000 hộ nghèo), tỷ lệ hộ cận nghèo là 18% (tương đương 3.200 hộ). Với con số trên có thể thấy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn cao, trong khi Trùng Khánh là một huyện biên giới, có nhiều núi cao nên việc phát triển sản xuất gặp không ít khó khăn. Người dân ở Trùng Khánh cũng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, có trình độ dân trí chưa cao và mật độ phân bố không đồng đều. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giảm nghèo của huyện.

Tuy nhiên, những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bằng các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đời sống người dân nhất là hộ nghèo và cận nghèo đã được cải thiện và nâng cao, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Trùng Khánh huy động lồng ghép các nguồn vốn trên 717,1 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với ngân sách Trung ương phân bổ 507,3 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương trên 2,4 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương trên 191 tỷ đồng. Nhờ hỗ trợ từ Chương trình này, đến nay huyện đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần thay đổi cơ bản các xã đặc biệt khó khăn của huyện, đời sống hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của huyện bình quân giảm 4% trở lên/năm.

Bên cạnh đó, huyện Trùng Khánh còn lồng ghép thực hiện hiệu quả các Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Chú trọng phát triển cây ăn quả

Để ổn định sinh kế, phát triển sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số, những năm gần đây, huyện Trùng Khánh đã quan tâm chú trọng phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa, tận dụng thế mạnh của địa phương. Trong đó, một số cây được tập trung và ưu tiên phát triển như: hạt dẻ, cam, quýt, lê.

a1-trang-24.jpg
Cây hạt dẻ giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập

Một ưu điểm đó là những hộ nghèo, cận nghèo khi tham gia phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa đều được hỗ trợ giống, có nghiệm thu tỷ lệ giống phát triển, được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Còn người dân đã tận dụng đất và được hướng dẫn chuyển đổi từ trồng cây lương thực sang trồng mới cây ăn quả theo đúng chỉ tiêu huyện giao.

Chính vì vậy, ngoài diện tích hạt dẻ, diện tích cây cam, quýt trồng mới của huyện hiện nay là 81,49/100 ha (đăng ký), sản lượng bình quân đạt khoảng 600 tấn/năm. Diện tích lê trồng mới được 36,6/45 ha (đăng ký), trong đó khoảng 25 ha đã cho thu hoạch, sản lượng bình quân hằng năm đạt 100 tấn/năm.

Phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua các HTX

Để tạo thương hiệu góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm nông sản địa phương, huyện Trùng Khánh đã kết hợp với tỉnh Cao Bằng và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai nghiên cứu nhiều đề tài phục tráng, bảo tồn và phát triển các loại cây ăn quả, trong đó có cây dẻ.

Đồng thời, huyện cũng tập trung hỗ trợ người dân, Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp xây dựng vườn ươm, vườn bảo tồn nguồn gen gốc, tìm phương pháp diệt trừ sâu bệnh, hướng dẫn nông dân, thành viên HTX cách phòng trừ sâu bệnh.

vuon-uom-cua-hop-tac-xa-bich-loan-don-vi-uom-giong-cay-de-bang-ky-thuat-ghep-cay-14323326.jpg
Phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua các HTX nhằm tạo thế mạnh của địa phương

Xác định được tầm quan trọng của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế nông thôn, huyện đã quan tâm phát triển mô hình HTX để làm nền tảng hỗ trợ người dân liên kết, sản xuất theo hình thức “4 nhà”, từ đó hạn chế khó khăn và tạo thuận lợi trong tiếp cận các chính sách, cơ chế của Nhà nước.

Đến nay, Trùng Khánh đã phát triển và xây dựng được những mô hình kinh tế hàng hóa hiệu quả. Điển hình như HTX An Thịnh, xã Lưu Ngọc, HTX Nông lâm và dịch vụ An Bình, xã Cao Chương.

Một trong những mô hình tiêu biểu đó chính là HTX Bích Loan, ở thị trấn Trùng Khánh đã đầu tư vườn ươm cây hạt dẻ, áp dụng kỹ thuật ghép giống để giảm thời gian phát triển, rút ngắn thời gian cây cho quả nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn cách ươm truyền thống. Đến nay, HTX xuất hơn 7.000 cây dẻ ghép, hơn 1.000 cây dẻ thực sinh để phục vụ người dân mở rộng diện tích. Ngoài ra, HTX còn đầu tư phát triển các loại giống cây ăn quả nhằm hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng hàng hóa một cách thuận lợi.

lang-da-khuoi-ky-4-16480067717351249725961-1648021408878-16480214089591384051819-1699869252629461464640-1699947267103-16999472691401604795236.jpg
Làng mô hình trải nghiệm “homestay” tại làng Khuổi Ky đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế

Đáng nói, việc phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua các HTX còn góp phần phát triển du lịch trải nghiệm. Hiện trên địa bàn huyện đã có nhiều homestay và cơ sở lưu trú được các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư xây dựng, thu hút đông đảo khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Cũng từ đây, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã được cải thiện và nâng cao, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Mục tiêu của huyện Trùng Khánh là trong thời gian tới, mỗi xã xây dựng ít nhất 1 HTX hoặc tổ hợp tác đảm bảo đầu vào, đầu ra cho nông dân; khai thác mô hình du lịch nông nghiệp trên cơ sở mở rộng diện tích sản xuất cây đặc sản, song song với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực giảm nghèo ở huyện vùng biên Trùng Khánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO