(TN&MT)- Tại Hội thảo “Liên kết phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh” diễn ra chiều 25/11/2013, tại tỉnh Vĩnh Long do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức, đa số các đại biểu đều nhìn nhận, trong thời gian qua việc đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh tại vùng ĐBSCL đã đóng góp quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, tạo cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… nhưng chưa bền vững.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Lê Hùng
Thách thức đối với các đô thị…
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay toàn vùng ĐBSCL có 158 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại II, 12 đô thị loại III, 15 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V.
Sau hơn 4 năm thực hiện Quyết định 1581/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, đến nay ĐBSCL đã bước đầu hình thành hành lang phát triển không gian theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng: mạng lưới đô thị vùng ĐBSCL tuy bắt đầu hình thành theo định hướng không gian đô thị toàn vùng, nhưng liên kết giữa các đô thị trong vùng chưa đồng đều và chặt chẽ; việc liên kết giữa các đô thị chỉ được thể hiện qua công tác quy hoạch, chưa có phương án thực sự khả thi trong liên kết thực tế để đầu tư phát triển tiềm năng, lợi thế và cạnh tranh lành mạnh thu hút đầu tư của từng đô thị…
“Các công trình đầu mối hạ tầng khung của vùng chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến hiệu quả tính liên kết vùng chưa đáp ứng được yêu cầu; các dự án hạ tầng kỹ thuật trong đô thị như: cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải… còn thiếu và chậm triển khai xây dựng; công tác quản lý Nhà nước về thực thi quy hoạch xây dựng còn hạn chế khi xây dựng tại nhiều khu vực còn manh mún mang tính tự phát, thiếu sự điều tiết tổng thể; mô hình đô thị hóa - công nghiệp hóa - hiện đại hóa chưa có sự khác biệt giữa các đô thị dẫn đến sự cạnh tranh trong vùng…”.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, các hoạt động phát triển kinh tế của ĐBSCL trong thời gian qua tuy đã tạo ra bước đột phá cho vùng hạ lưu sông MeKong, cải thiện thu nhập của cộng đồng dân cư, phục vụ nhu cầu cuộc sống cho địa phương, nhưng chưa mang tính bền vững vì môi trường đô thị và các khu dân cư đang gia tăng ô nhiễm, suy thoái ô nhiễm môi trường đất, nước, hệ sinh thái, tác động của biến đổi khí hậu…
Thực tế tại tỉnh Vĩnh Long, trong thời gian qua đã huy động mọi nguồn lực đề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đã đạt 78%, trên 97% tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch và hệ thống nước máy tập trung, 84% chất thải rắn được thu gom,… tỉnh đã đạt được khoảng 50 tiêu chí của một đô thị loại II.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trương Văn Sáu, cho biết: quá trình quy hoạch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn tồn tại một số hạn chế, chất lượng đồ án quy hoạch chưa cao, hệ thống thoát nước đô thị đã xuống cấp hoặc chưa xây dựng hoàn chỉnh dẫn đến ngập úng cục bộ vào mùa mưa, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do rác thải, nước thải chưa được xử lý được xả trực tiếp ra sông rạch, sử dụng chưa hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Lồng ghép các giải pháp để phát triển đô thị xanh, bền vững…
Để đạt được mục tiêu phát triển đô thị xanh, bền vững, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, các tỉnh khu vực ĐBSCL cần hết sức nỗ lực xây dựng và thực hiện các giải pháp giải quyết các thách thức đang phải đối mặt.
Đô thị Vị Thanh. Ảnh: Duy Khương
Chẳng hạn như, tăng cường kiểm soát ô nhiễm, không khí do phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy; triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị; đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi đô thị, khu dân cư tập trung; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước bằng việc lập quy hoạch, khai thác, sử dụng nước trên toàn khu vực, khoanh định các khu vực nước ngầm, nước mặt có giá trị kinh tế cao và trên các khu vực đó hạn chế xây dựng các công trình có khả năng làm suy thoát chất lượng nguồn nước; cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước sạch nhằm nâng cao tỉ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch lên 95% vào năm 2015.
Bên cạnh đó, cần đổi mới công nghệ, tăng cường áp dụng sản xuất sạch, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm nguồn nước đầu vào trong sản xuất công nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống… đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với các tỉnh ven biển, đặc biệt là TP.Cần Thơ và Cà Mau; giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp thông qua thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, ít phát thải; bảo vệ, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đất ngập nước như U Minh Thượng, U Minh Hạ, Đồng Tháp Mười…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng việc quy hoạch là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp, các ngành, từ đó sẽ khai thác hết tiềm năng, lợi thế của vùng và từng đô thị trong vùng. Đồng thời, trong tất cả các loại quy hoạch phải lồng ghép các vấn đề tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… hoàn thiện các quy hoạch bằng phương pháp tiếp cận mới. Liên kết phát triển phải xác định định hướng, mô hình phù hợp với đặc thù của vùng…
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã đưa ra một số mô hình phát triển đô thị xanh, bền vững. TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia cho rằng, trên cơ sở những đặc trưng cơ bản của điều kiện tự nhiên, văn hóa lối sống và thực tế phát triển của vùng, các đô thị vùng ĐBSCL cần được phát triển theo “Mô hình mạng lưới Đô thị nước”.
Để thực hiện được điều đó, giải pháp quy hoạch cần mang tính chủ động bằng một số cách tiếp cận phi kết cấu đã được sử dụng khá hiệu quả tại Ấn Độ, New Zealand, Banglades, Hoa kỳ để thích ứng với rủi ro. Đặc biệt ở Hà Lan, với cách tiếp cận thích nghi với nước trong quy hoạch và thiết kế đô thị là chương trình dành chỗ cho nước, thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi với nước lũ. Bên cạnh đó, các giải pháp quy hoạch cần tạo ra nhiều không gian cho nước xâm nhập vào đô thị theo cách có thể kiểm soát qua đó cải thiện khí hậu, cảnh quan…
Lê Hùng