Theo Sở TN&MT Ninh Bình, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản đặc biệt được quan tâm, chú trọng. Trong đó, công tác cấp phép hoạt động khoáng sản đã được thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục và theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 80 mỏ có giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực với tổng diện tích 1164,78 ha.
Ảnh minh hoạ |
Sở TN&MT đã đôn đốc 11/16 mỏ thực hiện thủ tục thuê đất để khai thác mỏ, thông báo giấy phép khai thác chấm dứt hiệu lực đối với 2 mỏ, yêu cầu lập hồ sơ đóng cửa 3 mỏ. Đồng thời, kiểm tra, yêu cầu các đơn vị hoạt động khoáng sản thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản.
Thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, Sở TN&MT đã xây dựng Quy chế phối hợp công tác quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh giữa Ninh Bình và các tỉnh: Thanh Hoá, Hoà Bình, Nam Định, Hà Nam. Kết quả đến nay, đã ký kết được quy chế phối hợp công tác quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá; ký với các tỉnh Hoà Bình, Nam Định. Đối với tỉnh Hà Nam, dự kiến hoàn thành ký kết trong năm 2021.
Đặc biệt, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác không gắn với yêu cầu về bảo vệ môi trường cơ bản được khắc phục. Công tác thành tra, kiểm tra đạt hiệu quả. Năm 2020, Sở đã tham gia cùng Đoàn thanh tra Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thanh tra chuyên đề xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế một số mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, đôn đốc UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra, ngăn chặn không để hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép; nhất là sau khi Nghị định số 23/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông được ban hành.
Mặc dù vậy, Sở TN&MT Ninh Bình cũng chỉ rõ, thực tế ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn còn hạn chế. Hiện còn 3 mỏ sau khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực nhưng chưa lập hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định; 16 mỏ chưa thực hiện thủ tục thuê đất khi được cấp phép khai thác; một số nhà máy gạch chưa hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép vùng nguyên liệu phục vụ nhà vậy.
Trong năm 2021, Sở TN&MT Ninh Bình xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện thống kê, kiểm kê tài nguyên khoáng sản trên phạm vi toàn tỉnh để xây dựng Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, rà soát, khoanh vùng cấm, tạm cấm khai thác khoáng sản; trình UBND tỉnh phê duyệt giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản.
Cũng theo Sở TN&MT Ninh Bình, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Kiểm tra chặt chẽ, yêu cầu quyết liệt các đơn vị thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường khi giấy phép khai thác hết hiệu lực. Ngoài ra, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép.