Theo thông tin từ Sở Công thương Ninh Bình, tính đến hết thắng 12/2018 trên địa bàn tỉnh có 40 đơn vị được cấp giấy phép VLNCN. Trong đó có 3 đơn vị do Bộ Công thương cấp (1 đơn vị sử dụng VLNCN, 2 đơn vị cung ứng VLNCN và hoạt động dịch vụ nổ mìn); 37 đơn vị còn lại do UBND tỉnh Ninh Bình và Sở Công thương cấp phép để phục vụ khai thác khoáng sản và xây dựng công trình.
Năm 2018 các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh sử dụng 2.066 tấn thuốc nổ tăng 13% so với năm 2017 và 247.000 kíp nổ các loại. Hoạt động VLNCN ở Ninh Bình năm qua tương đối ổn định, không xảy ra tại nạn do vật liệu nổ, không có tình trạng thất thoát ra ngoài làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, tại Ninh Bình vẫn còn một số tồn tại liên quan đến VLNCN như: nhiều khu khai thác nhỏ lẻ, diện tích nhỏ, hành lang an toàn để nổ mìn không đáp ứng đủ cho toàn bộ khu mỏ, các kho VLNCN được các đơn vị đầu tư xây dựng từ trước đến nay vẫn còn một số kho có vị trí không đảm bảo an toàn. Một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc trong việc lập hồ sơ quản lý VLNCN và hộ chiếu nổ mìn, còn hiện tượng sử dụng lao động chưa đúng quy định, đặc biệt là việc chấp hành các quy định về an toàn theo pháp luật và hồ sơ kỹ thuật thi công, phương án, hộ chiếu nổ mìn đã được phê duyệt. Một số đơn vị chấp hành các quy định về an toàn chưa nghiêm túc, không phối hợp với chủ các công trình (đặc biệt là nhân dân) thỏa thuận hoặc giải phóng đủ hành lang an toàn nổ mìn nên vẫn tồn tại hiện tượng khiếu nại, khiếu kiện hoạt động nổ mìn.
Trong năm qua, Sở Công thương Ninh Bình đã tổ chức nhiều hội nghị giám sát ảnh hưởng do nổ mìn theo kiến nghị của cử tri tại một số mỏ đá tại TP. Tam Điệp, huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan xử lý triệt để những tồn tại liên quan đến sử dụng VLNCN tại các mỏ đá.