Theo thống kê địa bàn tỉnh Ninh Bình có 12 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là Trung tâm dạy nghề). Hiện nay, tình trạng các Trung dạy nghề tại các huyện được đầu tư với kinh phí lên đến hàng tỉ đồng nhưng lại đang rơi vào tình trạng bỏ hoang, nếu có hoạt động thì cũng rất “thoi thóp”, gây lãng phí.
Trung tâm dạy nghề huyện Hoa Lư được đầu tư xây dựng trên diện tích 5.000 m2, 2 tầng kiên cố, bao gồm 14 phòng học. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Trung tâm này đã phải đóng cửa, cỏ dại mọc tràn lan.
Ông Nguyễn Sỹ Thiêm – Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Hoa Lư cho biết: Sở dĩ Trung tâm dạy nghề phải đóng cửa là do từ tháng 09/2017, tỉnh Ninh Bình thực hiện việc sát nhập các Trung tâm dạy nghề của huyện và Trung tâm giáo dục thường xuyên lại làm một nên sau khi sát nhập chúng tôi chuyển qua làm việc tại trụ sở của Trung tâm giáo dục thường xuyên. Chính vì vậy mà thời gian qua Trung tâm dạy nghề của huyện phải đóng cửa để đấy.
Trước đây khi chưa sát nhập, việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn. Trung tâm được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng lại không có trang thiết bị, máy móc để hoạt động. Bên cạnh đó, cả Trung tâm chỉ có 3 cán bộ gồm: 1 Giám đốc, 1 Phó Giám đốc và 1 kế toán, không có giáo viên dạy nghề. Chính vì vậy, khi có lớp chúng tôi tổ chức thuê địa điểm, giáo viên và trang thiết bị để dạy ngay tại các thôn, xã trên địa bàn huyện – ông Thiêm cho biết thêm.
Cùng chung tình trạng trên là Trung tâm Dạy nghề huyện Gia Viễn được đầu tư xây dựng từ năm 2011, thi công đến 2013 thì hết vốn đến nay công trình này vẫn đang dở dang. Tại các huyện khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như: Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô… tình trạng các Trung tâm dạy nghề bỏ hoang hoặc hoạt động cầm chừng cũng diễn ra rất phổ biến.
Hiện nay, việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo Đề án 1956/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Hầu hết các Trung tâm dạy nghề đều trong tình trạng “đói” học viên, đặc biệt là các Trung tâm này đều không có giáo viên dạy nghề. Muốn mở lớp, các Trung tâm phải chủ động đi thuê giáo viên bên ngoài.
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ được xem là cơ hội giúp người lao động ở vùng nông thôn có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, đặc biệt là thời điểm nông nhàn. Tuy nhiên, việc đầu tư ồ ạt, thiếu đồng bộ tại các Trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, gây lãng phí.