Cụ thể, trong giai đoạn 2015 – 2017 ngành công nghiệp vật liệu xây dựng của tỉnh nhất là xi măng tiếp tục phát triển mạnh. Với 5 nhà máy xi măng (xi măng Tam Điệp, xi măng Hướng Dương, xi măng Hệ Dưỡng, xi măng Duyên Hà, xi măng The Vissai) có tổng công suất thiết kế 10,53 triệu tấn/năm, nộp ngân sách của các nhà máy xi măng năm 2015 là 325 tỷ, năm 2016 là 384 tỷ, năm 2017 là 563 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy còn một số hạn chế như: Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất xi măng còn kê khai sai và nộp thuế chậm. Trong giai đoạn 2015 – 2017, ngành thuế đã xử phạt 1,82 tỷ đồng. Trong đó, phạt do kê khai sai là 1,25 tỷ đồng, phạt do chậm nộp thuế là 567 triệu đồng, các hành vi vi phạm hành chính khác 8,2 triệu đồng, số thuế truy thu 6,36 tỷ đồng. Tổng số thuế phải nộp sau thanh tra là 8,19 tỷ đồng. Đóng góp ngân sách của các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với quy mô khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, việc kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường có doanh nghiệp còn chưa đúng quy định. Vẫn còn doanh nghiệp chưa nắm bắt kịp thời chế độ, chính sách thuế, phí dẫn đến kê khai sai, thiếu số thuế phải nộp, việc kiểm tra, thanh tra vẫn chưa được thường xuyên, có nhà máy 2 năm chưa được kiểm tra, thanh tra thuế.
Vẫn còn doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, không có số thu thuế thu nhập doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước (nhà máy xi măng Tam Điệp 3 năm 2015 – 2017, nhà máy xi măng Hệ Dưỡng năm 2016 – 2017, nhà máy xi măng The Vissai năm 2017), nhà máy xi măng Hệ Dưỡng thua lỗ không còn vốn chủ sỡ hữu nhưng vẫn tiếp tục đầu tư.
Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Công ty Cổ phần xi măng Hướng Dương (TP. Tam Điệp) cũng đang bị các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình yêu cầu tiến hành rà soát, kê khai khối lượng khai thác khoáng sản và nộp thuế tài nguyên kê khai còn thiếu vào ngân sách nhà nước với số tiền trên 5,1 tỷ đồng.