Ninh Bình triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) 2 dự án thành phần dự án Cao tốc Bắc - Nam gồm: đoạn Cao Bồ-Mai Sơn với tổng chiều dài 15,2km, trong đó có 22km đường gom, 7 cầu và 3 hầm chui dân sinh; đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37 km (đoạn qua tỉnh Ninh Bình dài 14,41 km; đoạn qua tỉnh Thanh Hóa dài 48,96 km).
Ban hành Nghị quyết 09…
Để triển khai thực hiện dự án, từ năm 2019 tỉnh Ninh Bình bắt đầu triển khai công tác GPMB dự án Cao tốc Bắc- Nam đoạn qua Ninh Bình, nhưng tập trung chủ yếu từ năm 2021. Trong vòng 7 tháng (từ tháng 1/2021 đến tháng 7/2021), Ninh Bình đã hoàn thành GPMB, bàn giao 100% mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Có được kết quả như trên là nhờ các chính sách đền bù GPMB của tỉnh đều thỏa đáng đối với người dân, việc bố trí tái định cư đảm bảo thuận tiện và tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của các hộ dân bị ảnh hưởng…
Cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng chiều dài 63,37 km |
Đặc biệt, một “nút thắt” quan trọng trong công tác GPMB đã được tháo gỡ kịp thời thông qua việc ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ- HĐND ngày 23/02/2021 của HĐND tỉnh Ninh Bình về việc quy định chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp cùng thửa với đất ở nhưng không được xác định là đất ở khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Xuất phát từ thực tế hiện nay, quá trình thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với đất vườn, ao trong cùng thửa với đất ở nhưng không được xác định là đất ở trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập về hồ sơ địa chính và việc xác định thời điểm sử dụng đất. Do vậy việc áp dụng Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành còn vướng mắc, chưa giải quyết được đồng bộ, triệt để, dẫn đến công tác GPMB còn gặp rất nhiều khó khăn.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất vườn, ao cùng thửa với đất ở nhưng không được xác định là đất ở thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, ngày 23/2/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND.
Theo đó, đối tượng hỗ trợ trên ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cụ thể còn được hưởng mức hỗ trợ bằng 50% chênh lệch giữa giá đất ở cụ thể với giá đất nông nghiệp cụ thể do UBND tỉnh quyết định tại thời điểm thu hồi đất. Đây được cho là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương ảnh hưởng bởi dự án giải quyết được vướng mắc trong GPMB.
…kịp thời tháo gỡ “nút thắt”
Trong dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Ninh Bình, một trong những công trình trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn các huyện Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô, TP Tam Điệp, TP Ninh Bình với tổng số 2.919 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng. Khi mới bắt tay vào triển khai thực hiện dự án, mặc dù các cấp ủy chính quyền đã rất nỗ lực vào cuộc để GPMB, nhưng kết quả đạt được không cao, từ năm 2019- 2020 chỉ có rất ít hộ dân nhận bồi thường và giao đất.
Nguyên nhân chủ yếu khiến khiến công tác GPMB gặp trở ngại là do đơn giá bồi thường đất theo quy định thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, nhất là diện tích đất vườn, ao, khiến người dân thấy việc bồi thường không thỏa đáng và có nhiều ý kiến, kiến nghị.
Sau khi ban hành Nghị quyết 09 đã kịp thời tháo gỡ được “nút thắt” trong công tác GPMB, đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân.
Đơn cử như tại phường Tân Bình (TP Tam Điệp) - địa phương có khá đông hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, ban đầu do chính sách đền bù đất vườn ao thấp nên nhiều hộ không đồng tình, nhất là các gia đình có diện tích vườn, ao rộng. Sau khi Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh được ban hành, giá đền bù đối với đất vườn, ao cùng thửa với đất ở được tăng lên, cùng với việc điều chỉnh đền bù tài sản vật kiến trúc khác, vì vậy, nhân dân đã đồng thuận rất cao và tự nguyện giao đất; chính quyền địa phương vì thế cũng không cần phải thực hiện tới phương án cưỡng chế.
Có thể thấy, Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh Ninh Bình là chính sách được ban hành rất đúng và trúng, kịp thời, không những đáp ứng được sự mong đợi của người dân mà còn tạo cơ sở pháp lý cho chính quyền các cấp thuận lợi trong công tác quản lý đất đai và GPMB. Qua đó, góp phần quan trọng để đẩy nhanh tiến độ GPMB không những cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam mà tới đây còn cho tất cả các dự án khác có diện tích GPMB đất nông nghiệp liền kề đất thổ cư.
Ninh Bình đã hoàn thành sớm công tác GPMB và là 1 trong 4 tỉnh trong tổng số 13 địa phương có dự án đi qua bàn giao mặt bằng “sạch” cho đơn vị thi công. Đến ngày 21/9, sản lượng thực hiện của nhà thầu đạt 34,81% giá trị hợp đồng, nhanh 1,26% so với tiến độ thi công được duyệt.