Xã hội

Ninh Bình: Đòn bẩy từ hạ tầng giao thông

Tuyết Chinh (thực hiện) 31/10/2023 - 17:12

(TN&MT) - Hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) là tiêu chí chủ lực, đồng thời là bàn đạp để phát triển kinh tế - xã hội góp phần làm nên diện mạo nông thôn mới (NTM). Để hiểu rõ vấn đề này thực tế từ tỉnh Ninh Bình, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trọng Thành - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình.

PV: Xin ông cho biết, Ninh Bình đã thực hiện những giải pháp gì để xây dựng và phát triển hệ thống GTNT gắn với xây dựng NTM?

anh-1-1-.jpg
Ông Lê Trọng Thành - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình

Ông Lê Trọng Thành: Tiêu chí về thực hiện quy hoạch và phát triển GTNT là một trong những tiêu chí quan trọng của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM và được ưu tiên dành nhiều nguồn lực để đầu tư. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; trên cơ sở các nội dung của Chiến lược phát triển GTNT Việt Nam từ 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành các Nghị Quyết, Kế hoạch, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục phát triển mạng lưới đường GTNT, đảm bảo thuận lợi cho lưu thông, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, Ninh Bình đã huy động được sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong việc hiến đất, di chuyển công trình, đóng góp tiền mặt, vật liệu xây dựng, ngày công. Phong trào thi đua phát triển GTNT của tỉnh tiếp tục được duy trì, phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Đáng chú ý, thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông, Sở GTVT đã phối hợp với các cấp, các ngành rà soát tổng hợp đánh giá thực trạng tình hình hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh về chủ trương và biện pháp cụ thể cho công tác xây dựng GTNT. Từ đó, xác định những tuyến đường hư hỏng, xuống cấp, kết hợp với đề án xây dựng NTM của các địa phương, để tập trung chỉ đạo ưu tiên đầu tư nâng cấp, cải tạo.

Ninh Bình phấn đấu đến năm 2024 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; đến năm 2025 có 25% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, so với năm 2010, đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã làm mới, nâng cấp 16.904 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 2.138,7km bằng 269.276 tấn xi măng do tỉnh hỗ trợ.

PV: Ông có đánh giá như thế nào về hiệu quả kinh tế, cụ thể những lợi ích mà hệ thống GTNT mang lại cho vùng nông thôn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung?

Ông Lê Trọng Thành: Những năm qua, nhìn chung, nền sản xuất nông nghiệp, đời sống người nông dân cũng như cơ sở hạ tầng GTNT của Ninh Bình đã cơ bản thay đổi. Tính đến nay, cả tỉnh có 119/119 xã (100% tổng số xã) đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Điều đó đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân nông thôn.
Khảo sát thực tế cho thấy, các xã đã đạt chuẩn NTM đều có đường ô tô đến trung tâm xã và đường từ trung tâm xã đến các thôn được rải nhựa hoặc đổ bê tông đảm bảo chất lượng tốt; đường trục chính nội đồng và đường ngõ xóm được cứng hóa không bị lầy lội trong mùa mưa. Khẳng định rằng, hệ thống đường GTNT được xây dựng đã trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn; điều kiện phục vụ sản xuất thuận lợi hơn, sản phẩm của nông dân được thông thương tiêu thụ tốt hơn, năng suất, chất lượng sản xuất đều được nâng lên rõ rệt.

anh-2.jpg
Đường GTNT đồng bộ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội

PV: Nguồn vốn được coi là một trong những khó khăn lớn trong quá trình xây dựng giao thông nông thôn, vậy tỉnh Ninh Bình đã khắc phục khó khăn này như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Trọng Thành: Việc xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung và đường GTNT nói riêng cần rất nhiều vốn, trong khi đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn rất thấp, đóng góp của nhân dân có hạn, sự vào cuộc của doanh nghiệp còn dè dặt và các tổ chức tín dụng còn hạn chế. Nhận thức được điều đó, những năm qua, Sở GTVT đã phối hợp với các sở, ngành lồng ghép nguồn vốn bảo trì kết hợp với nguồn vốn ngân sách Nhà nước triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường trục xã cần nguồn vốn lớn, góp phần hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông. Tiêu biểu như: tuyến đường trục xã Gia Tiến, tuyến đường trục xã Gia Trung, huyện Gia Viễn; tuyến đường trục xã Kim Chính, xã Chính Tâm, xã Xuân Thiện, tuyến đường liên xã Lưu Phương - Cồn Thoi huyện Kim Sơn.

Nguồn lực đầu tư cho GTNT khá đa dạng, được huy động từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương; vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB); vốn huy động của doanh nghiệp, tín dụng và của cộng đồng nhân dân. Các nguồn vốn đầu tư cho GTNT trong hơn 10 năm qua ước tính khoảng trên 3.500 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước 2.718 tỷ (chiếm 77%), vốn nhân dân đóng góp 496 tỷ (chiếm 14%), vốn huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp 404 tỷ (chiếm 9%).

Đến nay, Ninh Bình đã có 8/8 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM; có 119/119 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Một điều dễ nhận thấy là trong quá trình xây dựng đường GTNT, các xã đã chủ động lựa chọn các tuyến đường dễ và những tuyến đường tập trung đông dân cư để làm trước và huy động lớn nguồn lực từ dân. Do đó, hiện nay, những tuyến đường đang triển khai xây dựng là các tuyến đường nằm xa khu dân cư, trải dài giữa các khu dân cư nhưng việc huy động sự đóng góp của người dân để xây dựng gặp nhiều khó khăn. Cá biệt có những tuyến đường nếu triển khai xây dựng phải huy động lên đến vài triệu đồng/hộ nếu như không huy động được thêm từ các nguồn lực khác nên rất khó triển khai thực hiện.

PV: Để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng GTNT, tạo động lực cho phát triển kinh tế, kế hoạch trọng tâm trong thời gian tiếp theo của tỉnh là gì, thưa ông?

Ông Lê Trọng Thành: Thời gian tới, trọng điểm là giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngành GTVT Ninh Bình sẽ tập trung huy động tổng hợp mọi nguồn lực từ nhân dân đóng góp, từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, xã; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương hỗ trợ đầu tư phát triển, hỗ trợ các xã xây dựng NTM của Trung ương, của tỉnh, vốn của các tổ chức nước ngoài như WB, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và các nguồn vốn hợp pháp khác để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng GTNT.

Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác quản lý duy tu sửa chữa thường xuyên các tuyến đường hiện có và các tuyến đường sau khi được nâng cấp, cải tạo; bảo vệ và sử dụng có hiệu quả hệ thống GTNT.

Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” để làm chuyển biến hơn nữa nhận thức về nội dung, lợi ích của việc phát triển hệ thống GTNT; giáo dục, vận động nhân dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông gần với văn hóa nông thôn và văn hóa đô thị.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Đòn bẩy từ hạ tầng giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO