Ninh Bình: Điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030

24/07/2018 10:53

(TN&MT) - Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Ngọc Thạch đã ký Quyết định số 918/QĐ-UBND (QĐ 918) về việc phê duyệt nhiệm vụ  Điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030.  

Ninh Bình lập điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030
Ninh Bình lập điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030 (Ảnh M.H)

Theo đó, Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 sẽ do UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt; Sở Xây dựng tổ chức lập, thẩm định; Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các UBND các huyện, thành phố phối hợp thực hiện. Đặc biệt, đơn vị trực tiếp lập quy hoạch sẽ được lựa chọn từ đơn vị tư vấn có năng lực phù hợp theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

UBND tỉnh Ninh Bình đã đặt ra các mục tiêu chính là xây dựng được các phương thức phân loại chất thải rắn tại nguồn và xác định lộ trình triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn cho mỗi loại hĩnh chất thải, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; quy hoạch hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn cho các đô thị, khu công nghiệp và điểm dân cư nông thôn, trong đó xác định được các phương thức thu gom, xác định được vị trí các trạm trung chuyển chất thải rắn liên đô thị...

QĐ 918 đã nêu rõ quan điểm điều chỉnh quy hoạch là quản lý tổng hợp chất thải rắn là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển đô thị bền vững; quản lý chất thải rắn phải lấy phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp. Vai trò chủ đạo là Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực và tăng cường đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn; quản lý chất thải rắn không khép kín theo địa giới hành chính, đảm bảo sự tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, sự an toàn về xã hội và môi trường và phải gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình; quản lý chất thải rắn phải tuân thủ theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Quy mô diện tích lập điều chỉnh quy hoạch: 1389,1 km2.  Đối tượng nghiên cứu điều chỉnh bao gồm: chất thải rắn đô thị; chất thải rắn công nghiệp; chất thải rắn y tế; chất thải rắn khu vực nông thôn với thời hạn quy hoạch ngắn hạn là đến năm 2025, quy hoạch dài hạn đến năm 2035. 

Việc Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên dự tính hoàn thành trong Quý IV năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO