Dự báo kịp thời
Bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ nằm ôm lấy con suối Huồi Giảng chảy từ các bản phía trên xuống. Vào ngày 2/10, lũ về giữa đêm kéo theo khối lượng đất đá khổng lồ ồ ạt cuốn phăng tất cả những gì trên đường qua. Đoạn phía cuối của dòng Huồi Giảng trước khi đổ vào dòng sông Nậm Nơm có một ngầm tràn cho các phương tiện giao thông qua lại. Đêm xảy ra lũ quét, đất đá đổ về quá lớn, ngầm tràn bị tắc. Dòng lũ bị đổi hướng, chảy ngoặt sang khu phố thuộc khối 1, thị trấn Mường Xén, khiến cả một dãy phố dài ngập ngụa trong bùn đất. Pha “bẻ lái” của dòng lũ khiến nhiều cơ quan của huyện như Trung tâm Chính trị, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Đội Thi hành án, Huyện ủy, UBND huyện Kỳ Sơn… bị ảnh hưởng nặng nề.
Những người già ở Tà Cạ kể lại, địa phương cũng từng xảy ra các trận lũ ống, lũ quét nhưng trong 20 năm qua, đây là trận lớn nhất. Báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, trận lũ quét diễn ra vào rạng sáng ngày 2/10 tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén đã gây thiệt hại nặng nề. Lũ đã làm chết 1 cháu bé 4 tháng tuổi; 233 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó 56 nhà bị trôi, sập hoàn toàn, 141 nhà hư hỏng nặng, 36 nhà phải di dời khẩn cấp. Lũ cũng cuốn trôi 2 ô tô, 118 chiếc xe bị vùi lấp, trôi 72 xe máy cùng nhiều tài sản giá trị khác. Tổng thiệt hại hơn 200 tỷ đồng.
Trận lũ ống, lũ quét nghiêm trọng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tổng cục KTTV, bởi nó là hiện thực khốc liệt để cùng đánh giá lại hiệu quả công tác dự báo. Được biết, thời điểm xảy ra lũ quét, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng như Trạm thủy văn Mường Xén đã có các thông tin dự báo kịp thời về lượng mưa của khu vực này. Cụ thể, do ảnh hưởng hoàn lưu Bão số 4 kết hợp áp cao lục địa tăng cường yếu, khu vực vùng núi phía tây Nghệ An có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt tại trạm là 284 mm, trong đó hai ngày 1-2/10 lượng mưa đo được là 207 mm. Thời đoạn lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn với địa hình dốc, các sườn núi đã no nước từ đợt mưa trước đã gây ra lũ ống, lũ quét với hậu quả hết sức nặng nề.
Để có những phân tích, đánh giá thực địa, ngay sáng 5/10, Đoàn công tác của Tổng cục KTTV do ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia dẫn đầu cùng các cán bộ Liên đoàn khảo sát KTTV, Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ, Trạm Thủy văn Mường Xén đã có mặt tại hiện trường khu vực bị lũ quét. Trong chuyến công tác này, Đoàn đã tiến hành đo đạc khảo sát các vết lũ, xem xét nguyên nhân, các đặc trưng về mặt vật lý của dòng chảy để có những kinh nghiệm dự báo. Đồng thời, qua làm việc với các cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn, Đoàn cũng sẽ đánh giá về các thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có đến được kịp thời với người dân không, từ đó có những đánh giá, rút kinh nghiệm về sau.
Ông Hoàng Văn Đại chia sẻ, những năm gần đây, lũ quét, sạt lở đất có mức độ nguy hiểm hơn, do đó loại hình thiên tai này được Tổng cục KTTV rất quan tâm, chú trọng đầu tư các công nghệ quan trắc hiện đại để tăng cường công tác dự báo. Hiện Tổng cục đang sử dụng Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS) do Tổ chức Khí tượng Thế giới tài trợ. Mặt khác, chúng ta cũng có gần 2.000 trạm đo mưa tự động, cộng với 10 trạm ra đa hiện đại phủ trùm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Khi quan trắc hiệu quả về mưa, chúng ta sẽ có dự báo hiệu quả về lũ quét, sạt lở đất. Với sự đầu tư này, chúng ta hy vọng những cảnh tượng như ở Tà Cạ, Mường Xén hôm nay sẽ ngày càng ít xuất hiện trong đời sống người dân miền núi.
Vượt lũ, ổn định cuộc sống
Kỳ Sơn là huyện miền núi cao biên giới đặc biệt khó khăn, nằm phía Tây tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 250 km. Huyện có diện tích tự nhiên 2.094 km2, với 203.409 km đường biên giới tiếp giáp với 4 huyện, 3 tỉnh của nước bạn Lào. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới, 59 bản biên giới, có 179/191 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Với dân số 80.288 người, trong đó hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Kỳ Sơn có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 59,36%. Đây cũng là khu vực có địa hình phức tạp, giao thông cách trở, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn.
Hoàn cảnh đó khiến việc nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ quét ở Tà Cạ, Mường Xén càng trở nên khó khăn với chính quyền và nhân dân huyện miền núi Kỳ Sơn. Tuy nhiên, ngay sau khi nước lũ rút, Kỳ Sơn đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. Ngay trong chiều tối 2/10, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Nghệ An đã huy động gần 300 cán bộ, chiến sĩ có mặt gấp tại Kỳ Sơn để hỗ trợ địa phương sơ tán người dân và dọn dẹp sau lũ. Tiếp đó, sáng 3/10, đoàn tình nguyện của Cảnh sát Cơ động tỉnh Nghệ An gồm 50 cán bộ chiến sỹ đã đến với Kỳ Sơn để giúp dân…Tất cả đều hướng về huyện nghèo Kỳ Sơn để chia sẻ những khó khăn do thiên tai.
Đến thăm và chỉ đạo công tác ứng phó lũ quét vào sáng 5/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đánh giá cao sự chủ động của chính quyền và lực lượng vũ trang đã thực hiện đúng phương châm "4 tại chỗ" trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Khẳng định đây là trận lũ quét lịch sử gây thiệt hại nặng nề cho huyện Kỳ Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cam kết, tỉnh sẽ tập trung huy động nguồn lực, phương tiện, đồng hành cùng huyện để sớm khắc phục hậu quả và đặc biệt là chăm lo đời sống cho bà con bị thiệt hại do lũ quét. Tỉnh cũng nhất trí chủ trương tái định cư nhưng trên cơ sở phải đảm bảo sự đồng thuận của bà con và mang lại hiệu quả bền vững.
Thông tin từ UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, tính đến ngày 5/11, tức sau hơn 1 tháng xảy ra trận lũ quét lịch sử, đã có 102 hộ được hỗ trợ tiền làm nhà mới với tổng số tiền 5,8 tỷ đồng. Trong đó, riêng đợt lũ quét xảy ra tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, có 88 hộ được hỗ trợ tiền làm nhà mới, với tổng số tiền gần 5,2 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ được hỗ trợ từ 55 - 60 triệu đồng. Ngoài ra, đã có doanh nghiệp cam kết hỗ trợ 55 hộ làm nhà với số tiền 2,7 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ 50 triệu đồng. UBND tỉnh Nghệ An cũng đã đồng ý phương án khẩn trương triển khai Dự án khu tái định cư có quy mô gần 13 ha tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ với tổng mức đầu tư 70 tỉ đồng cho bà con bị lũ quét, đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai lâu dài.
Tranh thủ thời cơ, giữ vững “3 yên”
Dù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng với Kỳ Sơn, các chính sách xóa đói, giảm nghèo, chính sách dân tộc, miền núi luôn được các cấp chính quyền triển khai tích cực, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Các giá trị về lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm bảo tồn, phát huy.
Theo thông tin từ huyện Kỳ Sơn, giá trị sản xuất ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 đạt 767,111 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 3,26% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này thể hiện sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt kịp thời các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát từ đầu năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người 6 tháng ước đạt 31,13 triệu đồng/người/năm. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng khá; thu ngân sách vượt xa so với cùng kỳ năm trước; các lĩnh vực văn hoá, xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được bảo đảm; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hoè cho biết, từ nay đến cuối năm 2022 và trong những năm tiếp theo, Đảng bộ, Chính quyền, Lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc huyện Kỳ Sơn sẽ tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo; tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó, huyện tiếp tục tập trung thực hiện giữ vững “3 yên”, đó là: yên dân, yên địa bàn và yên biên giới; xây dựng huyện nhà thực sự vững mạnh toàn diện.
Ai có dịp về Tà Cạ, Mường Xén giữa những ngày thu bừng nắng năm nay, mới thấy hết sức sống, nghị lực vươn lên của những con người nơi miền biên viễn này.