Những sai phạm trong quản lý đấu thầu tại huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) - Bài 2: Đầu tư xây dựng theo luật riêng?

09/02/2015 00:00

(TN&MT) - Kết quả là chỉ có một vài nhà thầu “độc diễn” các gói thầu “béo bở” trong suốt nhiều năm qua, tùy theo hình thức lựa chọn đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ...

(TN&MT) – Quá trình tìm hiểu về công tác quản lý tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng tại huyện Pác Nặm để  kiểm chứng nội dung thông tin mà chúng tôi nhận được thì từ ông Trưởng Ban QLCDA cho tới những cá nhân, đơn vị liên quan tại huyện Pác Nặm đều né tránh, không cung cấp tài liệu mặc dù đó là những tài liệu được phát hành công khai. Phải chăng có nhiều những khuất tất trong quản lý thực hiện đầu tư xây dựng tại huyện nghèo này?.
   
   
Trưởng ban quản lý các dự án huyện Pác Nặm Nguyễn Quốc Hội
   
Từ thái độ của vị lãnh đạo ban quản lý…..
   
  Để một dự án đầu tư xây dựng hoàn thành đúng pháp luật, đạt hiệu quả tích cực đối với phát triển kinh tế, chính trị xã hội của địa phương thì giai đoạn thực hiện đầu tư đóng vai trò quyết định, số phận của dự án nằm trong tay chủ đầu tư, vì vậy nếu tổ chức hay cá nhân được giao nhiệm vụ này trước hết phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và trên hết là ý thức trách nhiệm trước pháp luật.
   
  Tại huyện Pác Nặm, công việc này do ban quản lý các dự án huyện thực hiện. Làm việc với ông Nguyễn Quốc Hội - Trưởng BQLCDA nhằm kiểm chứng nội dung những thông tin về sai phạm trong công tác quản lý tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng tại huyện Pác Nặm, nhóm phóng viên nhận được từ người đứng đầu cơ quan đại diện chủ đầu tư này một thái độ bất hợp tác. 
   
  Bỏ qua những cảm xúc cá nhân vì nghĩ rằng, có thể tại thời điểm đó, tâm lý ông Hội bất ổn hay vì lý do nào đó khiến ông có những cử chỉ ngoài ý muốn, chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi sự hợp tác từ phía vị Trưởng ban nhưng cuối cùng vẫn là thái độ thách thức, từ chối thẳng thừng không cung cấp tài liệu vì cán bộ giữ kho đi học và hẹn 10 ngày sau sẽ cung cấp tài liệu. Gần đến ngày hẹn, chúng tôi liên lạc để thuận lợi cho công việc của cả hai bên thi lập tức nhận được từ vị trưởng ban một thái độ trắng trợn hơn, rằng: “tôi không cung cấp tài liệu vì tôi còn bận đi họp trên tỉnh(?!)”. 
   
  Điều khó hiểu là, những tài liệu mà chúng tôi đề nghị xem gồm những hồ sơ, văn bản được phát hành công khai, thậm chí đã hết hiệu lực pháp lý để kiểm chứng những nội dung thông tin về sai phạm ở BQLCDA huyện là đúng hay sai? nếu có sai phạm thì ở mức độ nào? với mong muốn chứng minh cho sự trong sáng, minh bạch của cơ quan này cùng những cá nhân làm công việc nhạy cảm dễ gây hoài nghi từ phía dư luận xã hội. Vậy điều gì lại khiến ông Trưởng ban không thể hợp tác với báo chí(?!). Điều gì khiến ông Trưởng ban lại "sợ" đến vậy khi nghe nói tới đường liên thôn Nặm Sai – Cốc Nọt xã Công Bằng; đường Khuổi Lè xã Giáo Hiệu; đường Khuôi Bốc – Kéo Pyáo, đường GTNT Khâu Lồm – Khuổi Tuốn xã An Thắng, đường liên thôn Khâu Bang – Khưa Slưm xã Bằng Thành…
   
   
Ông trưởng ban quản lý các dự án từ chối cung cấp hồ sơ "được khoanh đỏ" theo yêu cầu
   
…..Đến những sai phạm trong quản lý đầu tư
   
  Kiểm tra nội dung những hồ sơ tài liệu mà chúng tôi có được, đối soát với văn bản pháp luật liên quan và tham khảo những chuyên viên có kinh nghiệm quản lý dự án đầu tư xây dựng mới thấy nội dung mà người dân phản ánh về sai phạm của Ban QLCDA và vị Trưởng ban này là có căn cứ.
   
  Đầu tiên phải kể đến những sai phạm bắt đầu từ việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu (HSMT), nội dung của HSMT đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý, tổ chức đấu thầu xây lắp, vì qua đó thể hiện được sự minh bạch, công bằng của pháp luật, tránh những sai phạm kéo theo dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực về hiệu quả của dự án và an sinh xã hội của địa phương. Nếu quản lý và giám sát không chặt chẽ thì nó sẽ tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích trục lợi cũng như tạo dư luận xấu khiến nhân dân mất niềm tin vào chủ trương, đường lối đúng đắn của đảng và pháp luật của nhà nước.
   
   Chẳng hạn, tại một gói thầu xây lắp khác có giá trị khoảng 10 tỷ đồng, quy mô kỹ thuật: công trình đường giao thông nông thôn cấp IV, loại B. Thời gian thực hiện hợp đồng 450 ngày, nguồn vốn 30a thì nội dung yêu cầu về năng lực tài chính được lập bởi BQLCDA huyện Pác Nặm có nội dung như sau:
    
Tổng số tài sản trừ đi Tổng số nợ phải trả phải lớn hơn hoặc bằng 8 tỷ đồng (tính bình quân 3 năm liền kề gần nhất). Tài sản ngắn hạn phải lớn hơn 8 tỷ đồng. Điều kiện tín dụng của Ngân hàng cho gói thầu đáp ứng quy định của Bảng dữ liệu và có giá trị lớn hơn 8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế bình quân 03 năm liền kề gần nhất có giá trị lớn hơn 500 triệu đồng.
    
   Nhưng tại phần hướng dẫn về Năng lực tài chính đối với các nhà thầu trong Thông tư 01/2010/TT-BKH ban hành ngày 06/01/2010 của Bộ KH&ĐT chỉ yêu cầu về hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn phải quy định là dương (>1). Cũng không hề yêu cầu điều kiện tín dụng của Ngân hàng và chỉ cần nhà thầu không bị lỗ trong thời gian yêu cầu báo cáo tài chính là được.
    
   Việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu cũng được ông Hội chỉ đạo thực hiện rất “ngắn gọn”, không cần thông báo mời quan tâm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí ông Hội còn tự tin khẳng định “ngay cả thanh tra Sở KHĐT tỉnh cũng chưa có bất cứ kết luận nào là Pác Nặm sai”.
    
    
Trụ sở UBND xã Cao Tân, một trong những công trình nổi tiếng vì được
nghiệm thu "trước" cả khi có kết quả kiểm định chất lượng
   
  Kết quả là chỉ có một vài nhà thầu “độc diễn” các gói thầu “béo bở” trong suốt nhiều năm qua, tùy theo hình thức lựa chọn (đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu) mỗi doanh nghiệp này đều được “nhà may” đo vẽ, cắt xén sao cho vừa vặn, còn các nhà thầu khác mặc là….rách (?!). Thế mới có chuyện, nhà thầu mới thành lập vẫn được chỉ định thầu rất nhiều công trình, thậm chí còn hình thành Liên danh cho “có lý” để trúng thầu và rồi làm đến hơn 3 năm mới xong, gói thầu xây lắp Trụ sở UBND xã Cao Tân là ví dụ điển hình. 
   
  Dư luận cho biết, đa số các cuộc thầu ở huyện này chỉ có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) để rồi 2 nhà thầu loại luôn từ vòng ngoài hoặc “cao thủ” hơn là 2 nhà thầu này cùng có giá dự thầu……vượt giá gói thầu(?!), việc đánh giá HSDT của Tổ chuyên gia vì thế cũng “nhàn” và nhanh hơn. Duy nhất chỉ có 01 gói thầu được coi là “đấu thật”  thì phải hủy thầu, khi tổ chức đấu lại, kết quả  từng khiến dư luận sửng sốt một thời đó là: nhà thầu đáp ứng đủ yêu cầu của HSMT, có giá dự thầu (sau giảm giá) thấp nhất vẫn trượt thầu, thay vào đó là nhà thầu có giá sát với dự toán đã trúng thầu để rồi thi công ì ạch, không thực hiện đúng hợp đồng (?!). 
   
  Trên đây chúng tôi mới chỉ ra một số cách thức được coi là "đặc sản" của BQLCDA huyện Pác Nặm trong quản lý đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, là những phản ánh về quản lý thực hiện hợp đồng, công tác thanh toán, quyết toán, hoàn công… còn đáng lo ngại hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc đầu tư dàn trải dẫn đến nợ đọng vốn của nhiều nhà thầu trong thời gian dài, hiệu quả đầu tư thấp, nhà thầu tư vấn thiết kế sai thực tế, nhà thầu thi công sai thiết kế vẫn được hợp thức bằng cách lập lại hồ sơ thiết kế kỹ thuật, quản lý khối lượng hợp đồng, chất lượng công trình kém…..dẫn đến thất thoát, lãng phí là biểu hiện rõ nhất ở giai đoạn này.
   
      Theo báo cáo của BQLCDA huyện Pác Nặm, chỉ tính riêng 5 con đường đã và đang hoàn thành (đường liên thôn Nặm Sai – Cốc Nọt xã Công Bằng; đường Khuổi Lè xã Giáo Hiệu; đường Khuôi Bốc – Kéo Pyáo, đường GTNT Khâu Lồm – Khuổi Tuốn xã An Thắng, đường liên thôn Khâu Bang – Khưa Slưm xã Bằng Thành) sử dụng nguồn vốn 30a của Chính phủ và vốn vay tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Pác Nặm đã ngốn hết gần 73 tỷ đồng.
    
   
Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh, kiểm chứng, làm rõ những nội dung này để trả lời công luận trong loạt bài tới đây.
   
Mạnh Hưng
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những sai phạm trong quản lý đấu thầu tại huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) - Bài 2: Đầu tư xây dựng theo luật riêng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO