Ký ức hào hùng
Lặng yên thật lâu, Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Đỗ Vũ Xô mái tóc bạc phơ, đôi chân mày nhíu lại dưới vầng trán cao suy tư, dáng người nhỏ thó khiêm tốn trong bộ quân phục màu cỏ úa chỉ tay về phía dòng Nậm Rốm đang cuộn chảy nói: “Dòng sông này là chứng tích của đời tôi và những người con Hà Nội. Năm đó, có hơn 2.000 cán bộ, đội viên thanh niên ở các tỉnh như: Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa... trong đó, có 300 đội viên là người Hà Nội tuổi đời còn rất trẻ lên Điện Biên xây dựng Công trường Đại thủy nông Nậm Rốm.”
Chậm rãi bước đi, hai tay bắt chéo sau lưng, đôi giày vải ba ta đạp lên bụi cây chó đẻ bốc lên mùi hăng hắc dưới vạt đồi xuyến chi nở hoa trắng muốt, ông dừng lại kể: “Trong suốt 7 năm (từ 1963 - 1969) Đoàn TNXP xây dựng được 1 đập tràn bê tông dài 60m, cao 9,5m, rộng 11m. Tuyến kênh chính dài 823m, kênh tả dài 15,017km, kênh hữu dài 18,051km và 100km kênh cấp II, 95 cống đầu kênh cấp II để dẫn nước vào đồng ruộng, cung cấp cho gần 3.000ha diện tích lúa của cánh đồng Mường Thanh và gần 1.000ha diện tích ao hồ, hoa màu...”
Tôi dừng bút nhìn người lính già cảm phục! Câu chuyện đã xảy ra hơn 60 năm mà ông vẫn thuộc làu từng con số. Hai ông cháu tôi ngồi lại bên một mỏm đá nơi có thể quan sát được Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Ông ngồi khoanh chân, lưng hơi còng, mồ hôi rịn trên trán... ông thở từng nhịp đều đều, nhè nhẹ, ông nói nhẹ như ru: “Ngày đi, cảnh phố phường lùi dần về phía sau. Không khí trên xe lắng dần rồi trùng hẳn xuống. Trong lòng ai lúc đó hẳn cũng bâng khuâng buồn man mác, bỗng Trưởng đoàn Phan Thanh Dư - người Hà Nội nước da màu đun đồng đỏ hô to: Các bạn ơi... Chúng ta cùng đồng ca một bài hát nhé! Không chờ tiếng đồng ý, anh đã bắt nhịp bài “Qua miền Tây Bắc”. Chiếc xe ô tô lầm lì leo dốc như được truyền thêm sức mạnh chạy nhanh hơn, anh lái xe cũng gật gù, chiếc xe nghiêng ngả như hòa theo tiếng hát. Thân xe dòng chữ trắng to “Đoàn Thanh niên Tháng 8 Thủ đô và Hưng Yên, Thái Bình xung phong xây dựng Công trường Đại thủy nông Nậm Rốm - Điện Biên.”
Bỗng đôi mắt của người lính già nhìn xa vắng, môi run run, xúc động: “Tôi không thể nào quên ngày 13/3/1966, toàn đơn vị tràn ngập sự đau thương mất mát, 5 đồng đội của tôi đã hy sinh cùng một lúc khi đang làm nhiệm vụ thì bị bom Mỹ trút xuống để phá hủy công trình đập đầu mối. Người bị những mảnh bom lia... người bị sức ép do bom dưới chiến hào. Đau thương nhất là Đội trưởng Nông Văn Mận máy bay Mỹ vừa ập đến, chỉ kịp hô: “anh em xuống hầm...” thì thân thể anh đã bị bom xé nát hòa lẫn đất tung lên trời. Lúc đó, tôi bất lực gọi tên đội trưởng rồi òa khóc...!”.
Dứt lời, mắt ông nhòa lệ chậm rãi kể tiếp: “Khi ấy, tôi chỉ nặng 41kg mà cõng đồng đội bị thương 62kg về tới đơn vị 3km đường rừng; chỉ mong sao kịp cứu sống đồng đội.”
Chờ cho cơn xúc động qua đi, ông thầm thì tự nhủ: Chiến tranh là một hình thức lao động khổ sai, nên phải giữ hòa bình bằng mọi giá.
65 năm Điện Biên sau ngày chiến thắng, quần thể di tích lịch sử đã cũ, Đoàn TNXP năm xưa nhiều người đã mất. Riêng chỉ còn dòng Nậm Rốm vẫn cuộn chảy vơi đầy chở nặng phù sa. Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm vẫn trường tồn cùng tuế nguyệt. Cánh đồng Mường Thanh vựa lúa của Điện Biên ngút ngàn xanh mang lại no ấm, mùa màng bội thu cho đồng bào Tây Bắc; nơi rất nhiều thanh niên Thủ đô gửi lại một phần xương máu. Mảnh đất này chở nặng nghĩa tình của bao linh hồn sĩ tử.
Được biết, ngày 22/2/2010, Tập thể TNXP đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, theo Quyết định số 211/QĐ-GN của Nhà nước CHXHCNVN. Hiện nay, ông Đỗ Vũ Xô (76 tuổi) là Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Thanh Minh, trú tại Tổ dân phố 1, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ, nơi ông sinh ra và lớn lên phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Thế hệ trẻ Thủ đô vẫn ngược ngàn Tây Bắc
Điện Biên là một tỉnh nghèo, có 19 dân tộc anh em sinh sống; xa xôi và diệu vợi. Chặng đường Hà Nội - Điện Biên dài hơn 500km, nhưng khoảng cách địa lý có là gì khi trái tim Thủ đô luôn hướng về đồng bào Tây Bắc?
Nếu ví Thủ đô như người anh cả trong tổng số 64 tỉnh, thành cả nước, thì Điện Biên được ví như người em út còn vụng dại có chung dòng máu đỏ da vàng.
Những năm tháng hào hùng qua đi, đất Điện Biên được “anh cả” Thủ đô chia ngọt sẻ bùi. Người Hà Nội hôm nay vẫn nô nức ngược ngàn đi về Tây Bắc; mỗi chuyến đi đều ăm ắp nghĩa tình.
Xuất phát từ những ý nghĩ sẻ chia như anh em trong một mái nhà, từ sự kế tục của thế hệ TNXP như ông cụ Đỗ Vũ Xô mà Điện Biên - Hà Nội rút ngắn dần khoảng cách.
Năm 1984, TP. Hà Nội xây tặng Điện Biên ngôi trường có 20 phòng học, từ nguồn vốn Xổ số kiến thiết Thủ đô. Và là ngôi trường đầu tiên có điều kiện dạy và học tốt nhất lúc bấy giờ. Đến năm 1994, trường chính thức được đổi tên thành Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ và giữ tên ấy cho đến tận bây giờ, để ghi nhớ sự giúp đỡ của người dân Thủ đô trên đất Điện Biên Phủ anh hùng.
Từ đó đến nay, ngôi trường này có chất lượng đào tạo bậc tiểu học tốt nhất TP. Điện Biên Phủ; nhiều thế hệ học sinh “vàng” đã được sinh ra từ ngôi trường ấy, là nguồn nhân lực kế cận, dồi dào cho tỉnh Điện Biên.
Năm 2019, nhân sự kiện trọng đại Kỷ niệm 65 năm Giải phóng Điện Biên và 65 năm Giải phóng Thủ đô. Đất trời Tây Bắc lại vinh hạnh được đón nhiều đoàn cán bộ cấp cao rời Thủ đô về với đồng bào Tây Bắc; vừa để ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc cũng vừa là dịp để những công dân Thủ đô siết chặt thêm tình nghĩa sắt son chung thủy với đồng bào Điện Biên.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị gắn bó nhiều năm nghĩa tình với lực lượng vũ trang của Điện Biên; xây 3 nhà văn hóa, 2 lớp học, tặng 23 bộ máy tính, 22 chiếc ti vi, xây 39 ngôi nhà tình nghĩa, 2 nhà đồng đội và trao 179 sổ tiết kiệm, 10 suất học bổng với tổng số tiền lên đến gần chục tỷ đồng.
Cũng trong dịp này, Hội đồng Đội TP. Hà Nội trao tặng Điện Biên 1 công trình hệ thống tưới tiêu, xây mới 1 điểm trường, 1 “Ngôi nhà khăn quàng đỏ”, 30.000 quyển vở; 1 công trình cho huyện Mường Nhé, gắn biển công trình thanh niên tại đồi A1 và trao tặng Tỉnh đoàn Điện Biên 700 triệu đồng.
Dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ nhiều tổ chức, cá nhân của Thủ đô đã lên với đồng bào Điện Biên. Đáp lại nghĩa tình của Thủ đô Hà Nội nói riêng và sự ủy thác của Đảng, Nhà nước nói chung, 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên luôn đoàn kết, một lòng trung kiên theo Đảng giữ vững bờ cõi biên cương, xây dựng thế trận lòng dân, giữ vững an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954) đến nay.
“Dẫu hôm nay, Điện Biên còn nghèo kém phát triển, đồng bào một số dân tộc trình độ, hiểu biết còn hạn chế, nhưng luôn tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt, sự sát cánh chia sẻ của “người anh cả” là Thủ đô Hà Nội, một ngày không xa, 19 dân tộc anh em của tỉnh Điện Biên sẽ tiến bằng, phát triển kịp các tỉnh miền xuôi” - ông Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên, nhận định.
Đi trong chiều thu vàng Tây Bắc, chuông thỉnh từ Nghĩa trang Liệt sĩ A1 ngân rung vọng thẳm sâu vào lòng đất, như lời của đất mẹ ngàn năm ru giấc ngủ ngàn thu. Thế hệ trẻ Thủ đô - Điện Biên và cả nước luôn ghi nhớ và tự hào về lịch sử Điện Biên Phủ có một phần xương máu của các anh.