Thế giới

Những cam kết lớn tại COP28: Giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu

Mai Đan 13/12/2023 - 19:08

(TN&MT) - Những thông báo quan trọng về hành động vì khí hậu nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, lương thực và khử carbon vừa được đưa ra trong Ngày Lương thực, Nông nghiệp và Nước tại COP28. Tại đây, các quốc gia đã thể hiện cam kết thực hiện Tuyên bố COP28 của UAE về hệ thống lương thực, nông nghiệp bền vững và hành động vì khí hậu (Tuyên bố).

Bà H.E Mariam bint Mohammed Almheiri, Bộ trưởng Bộ Biến đổi Khí hậu và Môi trường UAE, Trưởng nhóm Hệ thống Thực phẩm COP28 cho biết, để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C trong tầm tay, chúng ta phải giải quyết mối liên hệ giữa các hệ thống lương thực, nông nghiệp, và khí hậu toàn cầu.

“Tại COP28, chúng tôi đã xây dựng nền tảng hành động, trong đó cam kết 152 quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực và đưa những cam kết đó vào chiến lược khí hậu của họ, đồng thời đảm bảo các nước này đang bảo vệ sinh kế của những người phụ thuộc vào các lĩnh vực đó. Chúng ta phải cùng nhau xây dựng hệ thống lương thực toàn cầu phù hợp cho tương lai. Ngày Lương thực, Nông nghiệp và Nước tại COP28 đánh dấu một thời điểm quan trọng để đạt được điều này”, Bộ trưởng Bộ Biến đổi Khí hậu và Môi trường UAE nhấn mạnh.

image1170x530cropped-20-.jpg
Phiên họp toàn thể bế mạc COP28 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất

Ngày Lương thực, Nông nghiệp và Nước tại COP28 đã khép lại chương trình chuyên đề kéo dài hai tuần. Các thông báo được đưa ra trong ngày tiếp nối những tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động vì khí hậu thế giới (WCAS) trước đó..

Dưới đây là những thông báo chính về chuyển đổi hệ thống lương thực trong Ngày Lương thực, Nông nghiệp và Nước

Sứ mệnh đổi mới nông nghiệp vì khí hậu (AIM4Climate)

Theo Sứ mệnh Đổi mới Nông nghiệp vì Khí hậu (AIM4Climate), tổng số tiền tài trợ tăng thêm 3,4 tỷ USD dành cho các hệ thống thực phẩm và nông nghiệp thông minh với khí hậu. Được ra mắt bởi UAE và Mỹ tại COP26, AIM4Climate đã phát triển thành khung vận động và phối hợp lớn nhất để tăng cường đầu tư kép về thực phẩm - khí hậu.

Công bố 389 triệu USD hỗ trợ nhà sản xuất và người tiêu dùng thực phẩm

Các nhà tài trợ từ thiện đã công bố khoản tài trợ trị giá 389 triệu USD nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng mà các nhà lãnh đạo đã nhất trí trong Tuyên bố.

Hợp tác kỹ thuật (TCC)

Dựa trên cam kết trị giá 200 triệu USD từ Chủ tịch COP28 và một nhóm các tổ chức quốc tế và chính phủ để hỗ trợ TCC, Ý cho biết cung cấp thêm cam kết trị giá lên tới 10 triệu EUR trong hai năm tới và Vương quốc Anh đã công bố một cam kết mới trị giá 45 triệu bảng Anh trong 5 năm tới, số tiền này sẽ được chuyển thông qua Quỹ Tín thác Hệ thống Thực phẩm 2030 của Ngân hàng Thế giới.

Kêu gọi hành động để chuyển đổi hệ thống lương thực cho con người, thiên nhiên và khí hậu

Bà H.E Razan Al Mubarak, Nhà vô địch cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại COP28 cho hay, hơn 200 tổ chức phi nhà nước - bao gồm nông dân, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, xã hội dân sự và các tổ chức từ thiện - đã cam kết “Kêu gọi hành động để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm cho người dân, thiên nhiên và khí hậu”.

Các bên đã cam kết thực hiện 10 hành động ưu tiên để chuyển đổi hệ thống thực phẩm. Họ cũng đã thống nhất kêu gọi đặt ra một loạt các mục tiêu có thời hạn, toàn diện và toàn cầu chậm nhất là tại COP29, đồng thời bao gồm các cam kết tôn trọng kiến thức truyền thống của người dân bản địa.

Sáng kiến tổng hợp về hệ thống lương thực và khí hậu

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Amina Mohammed đã công bố Sáng kiến tổng hợp về hệ thống lương thực và khí hậu, nhằm hỗ trợ các quốc gia nỗ lực tích hợp hệ thống nông nghiệp và lương thực vào các kế hoạch hành động về khí hậu của họ và thúc đẩy động lực hướng tới các mục tiêu của Tuyên bố. Sáng kiến này được hỗ trợ bởi Trung tâm Điều phối Hệ thống Thực phẩm của Liên hợp quốc trong quan hệ đối tác chiến lược với UAE.

Chương trình Hỗ trợ Nông sản Sharm-El Sheikh

UAE, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Ngân hàng Thế giới (WB), Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đã công bố thành lập Chương trình Hỗ trợ Nông sản Sharm-El Sheikh, một chương trình kéo dài ba năm nhằm tạo điều kiện đối thoại và chia sẻ kiến thức giữa các nước trên toàn cầu và các nhà hoạch định chính sách khu vực.

Chương trình này nhằm thúc đẩy sự đồng thuận trong quy trình Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) và cuối cùng cho phép các quốc gia và khu vực tiếp cận nguồn tài chính và hỗ trợ cho nông dân, nhà sản xuất thực phẩm, doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và cộng đồng địa phương.

Bộ công cụ hành động quốc gia về thực phẩm - nông nghiệp - khí hậu COP28

Một nhóm gồm FAO, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Đối tác Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), tổ chức Climate Focus và Liên minh Toàn cầu vì Tương lai Lương thực đã ra mắt “Bộ công cụ hành động quốc gia về lương thực - nông nghiệp - khí hậu COP28 cho các Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)”.

Được tạo ra với sự cộng tác của chính phủ Đức, bộ công cụ này sẽ đưa ra các nguyên tắc hướng dẫn cho các chính phủ nhằm tăng cường khuôn khổ chính sách khí hậu của họ và là nguồn lực quan trọng cho các quốc gia khi họ thực hiện Tuyên bố.

Liên minh các nhà tiên phong về chuyển đổi hệ thống thực phẩm (AFC)

Một liên minh mới được thành lập bởi Brazil, Campuchia, Na Uy và Sierra Leone nhằm giúp định hướng lại các chính sách, thực tiễn và ưu tiên đầu tư để mang lại kết quả tốt hơn cho hệ thống thực phẩm cho con người, thiên nhiên và khí hậu. Mỗi quốc gia thành lập ACF đều cam kết cải thiện hệ thống lương thực quốc gia của mình và xây dựng dựa trên tiến trình của Tuyên bố.

Bên cạnh những kết quả về hệ thống lương thực, Ngày Lương thực, Nông nghiệp và Nước cũng thu được những kết quả quan trọng về nước, bao gồm:

Chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng nước và khí hậu

100 triệu USD đã được Water Equity công bố, là một phần của Chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu và nước của họ. Qua đó, thúc đẩy các khoản đầu tư có tác động vào cơ sở hạ tầng nước có khả năng chống chịu với khí hậu nhằm nâng cao năng lực ứng phó cho các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất tại khu vực có hệ thống nước đô thị và lưu vực sông ở các thị trường mới nổi của Nam và Đông Nam Á, Châu Phi cận Sahara và Châu Mỹ Latinh.

Sáng kiến cải thiện nước đô thị (UWCI)

Đức và Hà Lan cùng với EU và các đối tác quốc tế khác đã công bố quyết định thành lập Sáng kiến cải thiện nước đô thị (UWCI) tại Hội nghị nước Liên hợp quốc năm 2023. UWCI tập trung vào việc đẩy nhanh quá trình thay đổi các công trình cấp nước đô thị trên toàn thế giới và huy động tài chính để cải thiện hiệu suất, đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu và cải thiện khả năng tiếp cận của các nhóm dân cư chưa có đủ nước.

Tại COP28, khoản tài trợ 42 triệu EUR đã được công bố cho UWCI, bao gồm 32 triệu EUR từ Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) và 10 triệu EUR từ Bộ Ngoại giao Hà Lan.

Thách thức về nước ngọt

Chủ tịch COP28 và các đối tác đã công bố hơn 30 quốc gia thành viên mới của chương trình “Thách thức về nước ngọt”, cam kết các thành viên sẽ nỗ lực bảo vệ và khôi phục 30% hệ sinh thái nước ngọt bị suy thoái trên Trái đất vào năm 2030.

Các thông báo về nước được xây dựng dựa trên kết quả của Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới. UAE đã cam kết tài trợ 150 triệu USD cho đổi mới nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước và 8 Ngân hàng Phát triển Đa phương (MDB) tuyên bố rằng họ sẽ tăng gấp đôi số người được hưởng lợi hàng năm từ hỗ trợ kỹ thuật và tài chính về nước trong vòng 3 năm.

Chương trình nghị sự về nước tại COP28 được xây dựng dựa trên quan hệ đối tác với Hà Lan và Tajikistan. Mục đích của nó là thực hiện các kết quả của Hội nghị Nước Liên hợp quốc năm 2023.

Theo Tổng hợp từ COP28
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cam kết lớn tại COP28: Giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO