Con người đang “phụ” rừng…
Rừng thể hiện vai trò rõ ràng và mạnh mẽ không thể thay thế trong cuộc sống của con người. Tuy vậy, bất chấp tất cả lợi ích vô giá về sinh thái, kinh tế, xã hội và sức khỏe, con người đang tàn phá rừng không thương tiếc. Người ta phá rừng để làm thủy điện, kinh tế; phá rừng để phát triển cơ sở dịch vụ kinh doanh; phá rừng để đào mỏ, khai thác lâm khoáng sản; phá rừng để làm nương rẫy, thậm chí, phá rừng về những nhu cầu quá “thực dụng”; chặt gỗ để làm thớt, đốt rừng để lấy than hoa…
Trong khi đó, hiện nay, sinh kế của 1,6 tỷ người trên Trái đất phụ thuộc vào rừng. Rừng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp ôxy cho khí quyển và giữ lại lượng lớn CO2 thải ra. Rừng góp phần tích trữ nước cho các dòng sông, là nguồn cung cấp nước cho gần 50% các thành phố lớn nhất thế giới. Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán… Tầm quan trọng của rừng còn thể hiện ở chỗ, rừng là hệ sinh thái có giá trị đa dạng lớn nhất và là nơi sinh sống của hơn một nửa các loài động vật, thực vật và côn trùng trên cạn…
Thế nhưng những con số do Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) công bố khiến chúng ta phải giật mình, mỗi năm, có khoảng 130.000 km2 rừng trên thế giới bị biến mất do nạn phá rừng. Điều này, khiến cho môi trường sống của 2/3 loài trên Trái đất bị thu hẹp, đa dạng sinh học bị suy giảm và với đà này trong tương lai không xa, chúng ta sẽ phải nói lời chia tay với 100 loài. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, đất định cư, thu hoạch gỗ không bền vững, quản lý đất đai không hiệu quả… cũng là những lý do phổ biến nhất cho sự thất thoát rừng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Rừng mất làm mất cân bằng nguồn nước, nước ở những nơi có rừng bị tàn phá thường thiếu trầm trọng. Người ta ước tính với nạn phá rừng như hiện nay, tới năm 2050, có tới 2 tỷ người, tức 20% dân số thế giới sẽ bị thiếu nước. Hầu hết số người chịu cảnh thiếu nước này sống tại các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra nguồn thực phẩm cũng có nguy cơ bị đe dọa vì nước dùng để tưới tiêu cũng trở nên khan hiếm.
Bảo vệ rừng Việt Nam: “Bức tranh” tối sáng
Câu chuyện quản lý, bảo vệ "lá phổi xanh" ở Việt Nam đã, đang và sẽ có nhiều vấn đề phải suy ngẫm, trong đó, đáng báo động nhất là rừng bị tàn phá bởi chính bàn tay con người. Mặc dù, Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực tăng cường thực thi luật pháp, tuy vậy, tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn là vấn đề khá nhức nhối.
Hoạt động buôn bán gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau từ những mạng lưới quy mô lớn và có thế lực câu kết đến những doanh nghiệp nhỏ và tác động đến toàn bộ diện tích rừng trên phạm vi cả nước, kể cả những khu rừng được quy hoạch để bảo vệ. Một số cán bộ kiểm lâm biến chất nhắm mắt làm ngơ cho các hoạt động phạm pháp của người dân địa phương hơn thế, họ câu kết với các đầu nậu gỗ để buôn bán trái phép các loại gỗ rừng vì lợi ích cá nhân.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện trên 12.900 vi phạm pháp luật về rừng, giảm 3.500 vụ so với năm 2017. Trong số vi phạm này có 1.727 vụ phá rừng trái phép (giảm 440 vụ). Diện tích rừng bị thiệt hại là 936ha, giảm 515ha (tương ứng giảm 35%). Có 11.289 vụ vi phạm đã được xử lý, trong đó, xử phạt hành chính: 10.900 vụ, giảm 3.077 vụ (tương ứng 22%) với năm 2017.
Điều đáng nói là số vụ phá rừng giảm nhưng số vụ bị xử lý, khởi tố hình sự lại tăng mạnh với 363 vụ tăng 51 vụ (tăng 16%) so với năm 2017; trên 16.027m3 gỗ các loại bị tịch thu (giảm 7% so với năm 2017). Cũng trong năm này, có 4.967 vụ vận chuyển, mua bán trái pháp luật gỗ vàllâm sản (giảm 25% so với cùng 2017) bị phát hiện và xử lý, tịch thu 16.027m3 gỗ, trong đó, có 7.236m3 gỗ tròn; 8.791m3 gỗ xẻ.
Bộ NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân dẫn tới các vụ vi phạm chủ yếu do áp lực về nhu cầu đất sản xuất và sản phẩm từ rừng của người dân ngày càng tăng, tình trạng dân di cư tự do đã có tác động tiêu cực và gây áp lực rất lớn cho công tác bảo vệ rừng.
Rừng mất kéo theo bao hệ lụy. Mưa bão xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng tăng cả về tần suất và nguy hại, trở thành mối đe dọa thực sự đối với cuộc sống của con người và sự phát triển của nền kinh tế. Nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện… làm thảm thực vật trên lưu vực ngày càng giảm dẫn đến khả năng cản dòng chảy kém, lũ tập trung nhanh hơn, nạn voi rừng bỏ về buôn làng giết hại con người, phá hoại tài sản...
Điều đáng nói, Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên từ nhiều năm trước, nhưng nạn phá rừng vẫn không giảm.
Các nhà kinh tế thế giới đã chứng minh, nếu không lồng ghép các giá trị của rừng vào kế hoạch chi ngân sách, các quốc gia và các nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt. Sự bần cùng hóa là tất yếu bởi việc gây tổn hại đến sự sống của rừng, trong khi rừng hỗ trợ cho đời sống hàng ngày của chính con người.