“Cát tặc” vẫn lộng hành
Nhiều năm nay, khu vực nhánh sông Thu Bồn chảy qua phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) vốn là “điểm nóng” khai thác cát trái phép của tỉnh. Mặc dù thị xã Điện Bàn đã công khai các số điện thoại “Đường dây nóng bảo vệ tài nguyên khoáng sản”, tăng cường tập trung kiểm tra khâu chấp hành của chủ bến bãi được cấp phép hoạt động; xử lý đóng cửa bến bãi không phép và chủ bến bãi không tuân thủ nghiêm các quy định...nhưng nạn khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
“Cát tặc” thường lợi dụng thời điểm ban đêm và luôn luôn thay đổi thời gian hoạt động gây khó khăn cho lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. “Mỗi đêm tàu cát hút trộm hàng trăm mét khối cát rồi bán ra thị trường kiếm lời trong khi ruộng vườn của người nông dân ở hai bên bờ sông ngày càng sạt lở... Nhiều năm qua, chúng tôi kêu cứu chính quyền nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để”- anh N.T.B, người dân địa phương cho biết.
Nhiều năm nay, khu vực nhánh sông Thu Bồn chảy qua phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) vốn là “điểm nóng” khai thác cát trái phép |
Đây chỉ là một trong số hàng chục điểm khai thác cát trái phép trên hệ thống 2 con sông Vu Gia - Thu Bồn mà các lực lượng chức năng đã hoặc không phát hiện thời gian qua. Nạn “cát tặc” trên tuyến sông Vu Gia - Thu Bồn đã “bức tử” đôi bờ con sông vốn dồi dào tài nguyên. Hàng trăm ha đất sản xuất và nhà ở của người dân đã bị dòng nước cuốn trôi. Theo người dân địa phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở một phần đến từ thiên tai lũ lụt nhưng phần không nhỏ là do việc hút cát ồ ạt, tràn lan ở sông Thu Bồn. Lợi dụng đêm khuya, vắng người các ghe hút cát đã thả các ống dây hút cát gần sát bờ sông để khai thác cát trộm.
Mới đây nhất, người dân xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam phản ánh về tình trạng các đối tượng lén lút khai thác cát, sỏi dọc bờ sông Cái, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất hoa màu... nhưng chính quyền địa phương có dấu hiệu “ngó lơ”...Theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại khu vực sông Cái (thuộc thôn Định Yên, xã Trà Bồng). Qua ghi nhận chỉ một đoạn sông Cái nhưng dấu vết của “cát tặc” lộng hành trải dài khắp nơi. Chạy dọc bờ sông uốn lượn này là hàng chục điểm bị cày xới lấy cát trên diện rộng, nhiều đoạn bị lấy lớp đất cát bề mặt sâu gần 2m, lởm chởm cát, sỏi. Nhiều dấu vết xe múc cát hoạt động qua lại đã hình thành lối đi mòn dẫn từ đường chính vào mỏ cát tại thôn Định Yên.
“Cát tặc” thường lợi dụng thời điểm ban đêm và luôn luôn thay đổi thời gian hoạt động gây khó khăn cho lực lượng chức năng phát hiện, xử lý |
Hệ lụy của tình trạng hút cát sạn trộm tại sông Cái là nhiều diện tích đất canh tác của người dân gần bờ bị ảnh hưởng do sạt lở trong mùa lũ. Theo ông Bùi Văn X. (trú thôn Định Yên, xã Trà Đông) cử tri đã không ít lần bức xúc, kiến nghị chính quyền xã Trà Đông và các ngành chức năng của huyện Bắc Trà My cần có biện pháp cứng rắn để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhưng không giải quyết triệt để.
Sẽ tăng hình thức xử phạt
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương, các ngành triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoảng sản nói chung, khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi nói riêng. Trong đó, Trạm kiểm soát liên ngành của thị xã Điện Bàn đặt tại Ngã Ba Vòm sông Thu Bồn thực hiện công tác chốt chặn 24/24h. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, chủ yếu trên địa bàn các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn. Trong năm 2019, lực lượng liên ngành của địa phương này đã phát hiện, xử lý 20 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính với tổng số tiền 485 triệu đồng.
|
Mặc dù khai thác cát, sỏi trái phép ai cũng nhìn thấy nhưng việc ngăn chặn lại rất khó khăn. Ông Phan Hà - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam) cho biết, cát, sỏi là loại khoảng sản dễ khai thác và tiêu thụ, không cần đầu tư nhiều nhưng dễ mang lại lợi nhuận khi khai thác trái phép nên nhiều đối tượng cố tình vi phạm với có nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng như khai thảo vào ban đêm; khai thác ở địa bàn giáp ranh giữa các địa phương, khi có hoạt động kiểm tra của địa phuơng này thì di chuyển phương tiện khai thác sang địa bàn bên kia nhằm tránh bị kiểm tra, xử lý; có tổ chức cảnh giới, thông báo cho nhau khi có cơ quan chức năng kiểm tra gây khó khăn cho công tác kiểm soát, quản lý.
Manh động và liều lĩnh hơn, các đối tượng còn hăm dọa, chống trả khi bị kiểm tra, bắt giữ, nếu không có lực lượng Công an, Thanh tra giao thông đi cùng và có phương tiện chuyên dụng thì rất khó tiếp cận và lập hồ sơ xử lý. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và quy định của pháp luật.
Nhiều diện tích đất canh tác của người dân gần bờ bị ảnh hưởng do sạt lở trong mùa lũ |
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn 610/UBND-KTN ngày 11/02/2020 yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm chế độ báo cáo và tập trung thực hiện: Kiểm tra, đóng cửa các bến, bãi không đủ điều kiện cấp, gia hạn giấy phép hoạt động bến bãi; việc đóng cửa bến bãi phải thực hiện bằng biện pháp ngăn chặn triệt để, không để tái diễn tình trạng trái phép. Nếu không chấp hành sẽ xử lý theo quy định... nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 33 giấy phép khai thác cát, sỏi đang còn hiệu lực, trong đó chủ yếu tập trung ở sông Vu Gia - Thu Bồn với tổng diện tích các khu vực được khai thác là gần 230 hecta. Hiện có 04 trường hợp đang tạm dừng khai thác do người dân phản đối, không cho khai thác do lo ngại sạt lở, bồi lấp.
“Chúng tôi đang kiến nghị tỉnh bổ sung hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện sử dụng bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông với khối lượng dưới 50 m3 cũng như quy định chi tiết, cụ thể về mức chi, chế độ chi, sử dụng nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đồng thời bổ sung, sửa đổi quy định, tiêu chuẩn giám đốc điều hành mỏ đối các mỏ có quy mô nhỏ để nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản” - ông Phan Hà, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam) cho hay.