Bởi người Việt gắn bó máu thịt với ngôi nhà và cái làng nên hai thực thể đó trở thành những biểu tượng văn hóa thiêng liêng nhất. Dù có đang sống nơi giàu sang phú quý nhưng vẫn hướng về nguồn cội, dù quê có thể nghèo nhưng không đâu bằng quê nhà.
Lại bởi giàu lòng yêu nước nên người Việt rất sùng bái những anh hùng dân tộc. Trong “tứ bất tử” thì có đến hai vị là anh hùng, đó là Phù Đổng Thiên Vương và Tản Viên Sơn Thánh. Thánh Gióng đuổi giặc hai chân là kẻ thù xâm lược, Sơn Tinh đuổi giặc bốn chân là thú dữ và không chân là thiên tai. Sự ngưỡng vọng còn nâng đến mức tuyệt đối, trở thành thần tượng bay lên trời sống cùng các vị Tiên, và phong thánh bất tử cho họ.
Có thể nói tính cách thơm thảo “Ăn quả nhớ người trồng cây” có ở trong máu mỗi người dân Việt. Hai câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” nhắc nhở con người ta khi hưởng thụ thành quả (bát cơm đầy) thì phải nghĩ đến công lao người làm ra thành quả ấy đã phải chịu bao cảnh “đắng cay muôn phần”.
Vốn giàu có tinh thần nhân văn kết hợp với những ảnh hưởng tốt đẹp từ các luồng văn hóa tiếp biến (Nho, Phật, Lão) đã tạo nên một chủ đề đặc sắc ở văn hóa Việt: giáo dục con người yêu thương, kính trọng, biết ơn và biến những tư tưởng đó thành hành động cụ thể, biểu hiện rõ rệt nhất ở thời đại Hồ Chí Minh.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, giữa năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh để nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn những người đã hy sinh một phần thân thể vì đất nước. Từ đó, ngày 27/7 hằng năm trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” vừa là dịp khẳng định, ghi nhớ công lao của các Thương binh, Liệt sĩ, vừa là dịp để mọi người thể hiện đạo lý truyền thống “Ăn quả nhớ người trồng cây” tốt đẹp của dân tộc. Thay mặt đồng bào, Người ghi công anh em thương binh và nhắn nhủ đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ họ: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào… Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy” (Hồ Chí Minh toàn tập, 2002, tập 5, tr 175). Đúng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và sự ứng xử đầy tình nghĩa “tay đứt ruột xót”, “máu chảy ruột mềm”, Người nhận các con của Liệt sĩ làm con nuôi, rồi khi thì Người gửi hiện vật, khi thì Người gửi tiền (thường là một tháng lương) “làm quà cho anh em”...
Việc làm và tấm lòng của Bác Hồ đã tỏa ánh sáng vào hiện thực ngày hôm nay, để thế hệ trẻ ý thức sứ mệnh phát huy nét đẹp đạo lý này phải được thể hiện ở những công việc cụ thể, thường xuyên. Đó là, cần hơn nữa sự lắng nghe để thấu hiểu và thấu cảm mỗi con người, mỗi cảnh ngộ ở gia đình người có công, gia đình Liệt sĩ, Thương binh..., lấy đó làm điểm xuất phát để khái quát thành các chủ trương, chính sách chung làm sao cho thiết thực, hiệu quả nhất với họ.
Với thân nhân Liệt sĩ là người cô đơn, già yếu, với Thương binh trong hoàn cảnh “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, dẫu rất cần đến sự giúp đỡ của xã hội, nhưng họ cần hơn cả là lòng tự trọng của bản thân, là mong muốn được khẳng định giá trị của bản thân mình, là nguyện vọng được tạo điều kiện có nghề nghiệp ổn định, phù hợp để tự nuôi sống mình và góp phần có thể vào tài sản chung cho xã hội...
Cùng với đó, xã hội hóa rộng rãi hơn nữa Quỹ đền ơn đáp nghĩa mời gọi mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia, hưởng ứng để có thêm một ngôi nhà, một sổ tiết kiệm... tình nghĩa.
Và ở nhà trường phổ thông, phải giáo dục thế hệ trẻ sự tri ân bằng việc làm cụ thể sẽ có hiệu quả thiết thực hơn. Đưa các em đến thăm hỏi, phụng dưỡng một gia đình Liệt sĩ - Thương binh. Kể cho các em nghe về tấm gương chiến đấu quên mình vì Tổ quốc. Hướng dẫn các em chăm sóc sạch đẹp Nghĩa trang... Không chỉ gieo vào các em tinh thần kế thừa truyền thống, nhớ về nguồn cội, mà còn làm cho gia đình Liệt sĩ, Thương binh... thêm ấm lòng!