Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính (CCHC)
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công tác quản lý nhà nước về TN&MT luôn được Bộ TN&MT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu, công tác quản lý tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường… Công chức, viên chức Sở TN&MT được đào tạo bài bản, chính quy, đúng chuyên môn, nghiệp vụ, có nhiều kinh nghiêm công tác, kinh qua cơ sở, có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, luôn đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Kết quả nổi bật, trong năm 2018, triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành theo chỉ đạo của Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1525/QĐ-UBND và Quyết định 2063/QĐ-UBND. Sở TN&MT Sơn La đã xây dựng phương án sắp xếp cơ cấu tổ chức các phòng, đơn vị thuộc sở từ 9 phòng, đơn vị giảm xuống còn 6 phòng thuộc Sở. Với các đơn vị sự nghiệp giảm đầu mối từ 5 đầu mối xuống 4 đầu mối.
Xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, Sở TN&MT đã xây dựng Kế hoạch phân công cụ thể cho các phòng đơn vị, triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao chỉ số CCHC của Sở. Phê duyệt Danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực TN&MT 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) với 78 TTHC cấp tỉnh, 30 TTHC cấp huyện, 01 TTHC cấp xã. Hầu hết các thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian giải quyết đạt trên 30% tổng thời gian so với quy định.
Trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 15/5/2018 Quy định Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; trình tự, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Sơn La. Sở đã đưa dịch vụ trực tuyến mức độ 3 với 3 thủ tục thuộc lĩnh vực môi trường. Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng trong hoạt động hành chính tại Sở theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và ứng dụng hiệu quả phần mềm VNPT-iofice vào quản lý văn bản điều hành của Sở.
Tập trung chỉ đạo, truy kích giải quyết các thủ tục hành chính, trong đó trọng tâm là việc giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực giải quyết của Sở, không để hồ sơ tồn đọng quá hạn.
Kết quả, tính tới ngày 14/12/2018, tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 630 hồ sơ, bao gồm: đất đai 413 hồ sơ, môi trường 146 hồ sơ, tài nguyên nước và khoáng sản 71 hồ sơ. Hồ sơ đã giải quyết xong trả kết quả cho tổ chức, cá nhân đạt 548/630 hồ sơ, hồ sơ đang giải quyết 19/630 hồ sơ, hồ sơ trả lại 63/630 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm hạn và đúng hạn đạt 97,26%.
Siết chặt công tác thanh, kiểm tra đất đai
Trong từng lĩnh vực cụ thể, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của 12/12 huyện, thành phố; kế hoạch đo đạc lập bản đồ địa chính với các công ty sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường; kế hoạch thực hiện Chỉ thi 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ; chủ trương lập dự án điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai tỉnh Sơn La… Tập trung đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện kế hoạch khai thác quỹ đất để tạo nguồn thu từ đất năm 2018; thực hiện thống kê đất đai năm 2018 và phối hợp chuẩn bị kiểm kê đất đai năm 2019; đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ lần đầu với đất ở và đất sản xuất…
Tiếp tục tăng cường thực hiện phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý với các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mai Sơn và thành phố Sơn La. Triển khai kế hoạch quan trắc chất lượng môi trường tỉnh Sơn La năm 2018. Tiếp nhận, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 46 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 01 Đề án bảo vệ môi trường chi tiết; thẩm định, xác nhận 45 Kế hoạch bảo vệ môi trường; kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án đối với 15 hồ sơ đề nghị, cấp 04 Giấy xác nhận việc thu dọn lòng hồ trước khi tích nước; cấp 11 Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH. Thực hiện kiểm tra chứng nhận đối với 07 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành xử lý triệt để…
Lĩnh vực khoáng sản, đã trình UBND tỉnh cấp 10 giấy phép khai thác khoáng sản, 8 giấy phép thăm dò khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản với 10 điểm mỏ, 9 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ với 3 mỏ, thu hồi 3 giấy phép khai thác, ban hành 2 kế hoạch đấu giá khoáng sản…
Lĩnh vực tài nguyên nước, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề cương và Dự toán dự án điều tra, đánh giá khoanh vùng cấm, hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất; Đề cương và dự toán dự án Lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt với Nhà máy cấp nước số 1, 2 thành phố Sơn La và nhà máy cấp nước Mai Sơn; thẩm định trình UBND tỉnh cấp 20 giấy phép tài nguyên nước, phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa với 3 thủy điện. Tình trạng hoạt động tài nguyên nước không có giấy phép, hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép đã được hạn chế…
Trong công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư, Sở đã tiếp và giải quyết 16 lượt người, với nội dung phản ánh chủ yếu về công tác bảo vệ môi trường và đất đai, liên quan đến bồi thường khi thu hồi đất. Đã tiếp nhận 34 đơn thư, trong đó, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 18/34 đơn, đã giải quyết xong 10/34 đơn, đang xử lý 6/34 đơn.
Đã thực hiện 18 cuộc thanh, kiểm tra với 74 đơn vị; qua đó phát hiện hành vi vi phạm của 47 đơn vị trong lĩnh vực khoáng sản, đất đai, bản đồ… Đặc biệt, trong năm qua, thực hiện Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đển 2020, Sở TN&MT đã tăng cường rà soát, kiểm tra công tác sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 19/11/2018, toàn tỉnh đã rà soát 490/723 khu đất, trong đó, tại các huyện rà soát 450 khu đất, Sở TN&MT rà soát 40 khu đất. Qua rà soát, số khu đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai là 139 khu đất của 107 tổ chức. Hiện đã kiểm tra 109 khu đất của 82 tổ chức, 35 tổ chức đã có kết luận kiểm tra; Sở TN&MT đã ban hành 13 kết luận kiểm tra với 13 tổ chức; tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành 16 quyết định thu hồi 16 khu đất của 4 tổ chức.
Có thể nói, năm 2018, ngành TN&MT Sơn La đã nỗ lực cố gắng, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, thực hiện tốt vai trò tham mưu, quản lý về tài nguyên và môi trường; giải quyết kịp thời các nhiệm vụ chuyên môn theo kế hoạch và các nhiệm vụ phát sinh khác; bảo đảm sự phối hợp với các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành.
Đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả công tác năm 2018, nhận rõ những hạn chế, thiếu sót và phân tích nguyên nhân cụ thể, trong năm 2019, ngành TN&MT Sơn La sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về TN&MT trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác rà soát văn bản ban hành, bám sát yêu cầu thực tiễn, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Công tác tham mưu xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành các văn bản theo thẩm quyền đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
Phê duyệt kế hoạch khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu năm 2019; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2019 cho 12 huyện, thành phố. Trình HĐND tỉnh cho chủ trương xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục kiểm tra, trình UBND tỉnh thu hồi các khu đất có vi phạm. Hướng dẫn trình tự tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh…
Tiếp tục tập trung ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; xả nước thải vào nguồn nước; dự báo và chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai trên địa bàn tỉnh. Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết triệt để khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài.
Tiếp tục xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tăng mức độ hài lòng của công dân khi đến làm việc. Nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức, kiên quyết xử lý công chức, viên chức vi phạm nguyên tắc ứng xử, nhũng nhiễu người dân.