Nhiều ý kiến về tội danh Nhà báo Hoàng Uyển tống tiền doanh nghiệp

11/08/2017 00:00

(TN&MT) – Cơ quan điều tra đang triệu tập lấy lời khai của những đối tượng có liên quan.

Đến trưa 11/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ vẫn chưa chính thức ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Lê Hoàng Uyển (SN 1976), Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam). Hiện nghi phạm Uyển vẫn đang tiếp tục bị tạm giữ hình sự.

Nghi can
Nghi phạm Phạm Lê Hoàng Uyển đang bị giữ hình sự.

Trong khi đó, dư luận trên mạng xã hội những ngày qua đang đưa ra nhiều ý kiến trái chiều đối với tội danh mà nữ nhà báo này sẽ phải bị khởi tố. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo TN&MT ghi nhận ý kiến từ phía những người am hiểu về pháp luật hình sự.

Theo đại tá Trần Thanh Chương, nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, nếu nghi phạm Uyển không liên quan gì đến các bài viết đăng trên Báo Phụ Nữ TP HCM nhưng đi tống tiền doanh nghiệp thì rõ là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nếu Uyển có quen biết với doanh nghiệp từ trước và nói điều gì đó để nhận tiền thì đó là tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cũng theo đại tá Trường, 2 tội này gần giống nhau, chỉ khác ở điểm là: Tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nghĩa là lợi dụng niềm tin của người ta để nhận tiền trước rồi sau đó mới có ý định chiếm đoạt luôn, không làm gì như đã hứa. Còn tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có ý định trước khi lấy tiền của người ta theo kiểu “thật nói giả, giả nói thật” để người ta tin tưởng rồi nhận tiền.

Danh thiếp nhà Báo Lê Hoàng Uyển
Danh thiếp Nhà báo Lê Hoàng Uyển

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích rằng: Qua thông tin báo chí cho thấy hành vi trên rõ ràng đã vi phạm pháp luật hình sự. Nếu nhà báo này là tác giả hoặc có khả năng tác động tháo gỡ được các bài viết thì đây là hành vi uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, sẽ bị áp dụng Điều 135 của Bộ Luật Hình sự (BLHS) “Tội cưỡng đoạt tài sản”. Trường hợp không là tác giả hoặc là tác giả bài viết nhưng không có khả năng tác động đến Tòa soạn Báo Phụ Nữ TP HCM tháo gỡ bài viết thì đây là hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, sẽ bị áp dụng Điều 139  của BLHS “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Luật sư Trần Văn Sỹ, Giảng viên Học viện Tư pháp, cho rằng trường hợp bà Uyển là tác giả, hay cộng tác viên của Báo Phụ Nữ TP HCM, có khả năng gỡ bỏ 3 bài viết đã đăng, không dùng thủ đoạn gian dối, mà chỉ uy hiếp tinh thần người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì hành vi trên có thể phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”. “Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản…”. Thủ đoạn uy hiếp tinh thần ở đây thể hiện ở hành vi Uyển đã uy hiếp giám đốc 2 doanh nghiệp nếu muốn gỡ bỏ 3 bài viết thì phải đưa cho Uyển số tiền 700 triệu đồng. Nếu chậm trễ thì báo tiếp tục đăng bài nữa, khi đó muốn gỡ xuống thì số tiền phải là 1 tỉ đồng.

ô tô chở nhà báo Uyển đi gặp doanh nghiệp.
ô tô chở nhà báo Uyển đi gặp doanh nghiệp.

Cũng theo luật sư Sỹ, trường hợp Uyển không phải là tác giả, không liên quan gì đến Báo Phụ Nữ TP HCM, không có khả năng gỡ 3 bài viết trên mà Uyển lại dùng thủ đoạn gian dối với giám đốc 2 doanh nghiệp là sẽ gỡ được 3 bài viết trong khi Uyển không có quyền gỡ để tạo lòng tin với doanh nghiệp thì hành vi đó có thể phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sau khi nghi phạm Uyển bị bắt, trên Báo Phụ Nữ TP HCM Online, ban biên tập báo này khẳng định Uyển không phải là phóng viên, không phải là cộng tác viên và cũng không liên quan gì đến 3 bài báo nêu trên.

Xuân Vũ – Đông Phong

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ý kiến về tội danh Nhà báo Hoàng Uyển tống tiền doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO