Hình thành thói quen không sử dụng đồ dùng nhựa
Cuối tháng 8/2019, thực hiện Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021 của UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM đã ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trong ngành Giáo dục.
Theo đó, trong năm học 2019 - 2020, tất cả các trường học trên địa bàn TP.HCM phải xây dựng nhà trường đạt yêu cầu “Văn minh, an toàn và xanh - sạch - đẹp”, thực hiện lớp học không rác và lễ hội không rác. Đặc biệt, các trường học cần kiên quyết nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa.
Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức lồng nghép (tích hợp) đưa nội dung về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn vào chương trình giảng dạy, ngoại khóa, tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm cho học sinh ở các cấp học, các trường học trên địa bàn. Đồng thời, hạn chế sử dụng nước ống đóng chai (thể tích 330 - 500ml) trong công sở, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (từ 20 lít trở lên) hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu thân thiện môi trường.
Lớp học phân loại rác tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng |
Tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1), trong buổi học, các em đã được các thầy cô chỉ dạy cho cách phân biệt rác thải dễ phân hủy và rác thải khó phân hủy. Theo đó, trong lớp học, ít nhất mỗi em sẽ được thực hành 1 lần phân loại và bỏ rác thải vào đúng nơi quy định. Còn đối với những học sinh lớp 1, chưa biết chữ, nhiệm vụ của thầy cô là giúp các con phân biệt bằng màu. Để các con dễ nhận diện, nhà trường cũng thay đổi toàn bộ thùng rác theo như các bài học mà các con đã học, để tạo thành thói quen phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định.
Bên cạnh hoạt động trên, trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng mở “Chiến dịch Xanh” bằng cách trồng cây xanh và không dùng chai nhựa đựng nước sử dụng 1 lần trong các cuộc họp và khuyến khích toàn bộ giáo viên, nhân viên trong trường chuyển đổi thói quen mua thức ăn đựng trong hộp xốp, hộp nhựa sang các hộp sử dụng lâu dài.
Theo cô giáo Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, một ngôi trường xanh phải bắt đầu từ không rác thải nhựa. Sử dụng đồ dùng nhựa là một thói quen khó bỏ. Vì vậy, cần có phương pháp để hình thành thói quen hạn chế dùng sản phẩm nhựa hàng ngày cho các học sinh, nếu được thực hiện thường xuyên, hàng ngày nhất định sẽ đạt kết quả.
Thầy giáo Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Huỳnh Khương Ninh (quận 1) cho biết, để bắt đầu Chiến dịch Nói không với rác thải nhựa, Nhà trường đã thay toàn bộ ly nhựa bằng ly giấy ở căng tin của trường. Điều này, giúp cho các em học sinh tập làm quen với thói quen phân loại rác thải và hạn chế sử dụng rác thải nhựa và bên cạnh đó là cơ hội tốt để các bậc phụ huynh tham gia cùng con. Đây cũng là đối tượng thứ 2 nhà trường hướng tới trong mục tiêu xây dựng trường học không rác thải nhựa và gia đình không rác thải nhựa. Bởi chính các em học sinh sẽ là những tuyên truyền viên trong gia đình.
Tăng cường phối hợp bảo vệ môi trường
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Trước các yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường (BVMT) của thành phố, bên cạnh các giải pháp công trình, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng được xác định là giải pháp đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, nâng cao nhận thức, hình thành thói quen BVMT của các em học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai của đất nước là yếu tố then chốt góp phần giữ gìn, BVMT, hướng đến xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, sạch đẹp, an toàn.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ này, nhiều năm qua, Sở TN&MT và Sở GD&ĐT đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động, nhiều chương trình nhằm tăng cường công tác giáo dục và truyền thông về BVMT dành cho các em học sinh trên địa bàn thành phố. Ngày 22/9/2016, Sở TN&MT và Sở GD&ĐT đã ký kết liên tịch về phối hợp triển khai các hoạt động giáo dục và truyền thông môi trường trong trường học giai đoạn 2016 - 2020.
Hàng năm, các nội dung cụ thể đã được Phòng TN&MT và Phòng GD&ĐT các quận huyện phối hợp triển khai tại địa phương; nhiều mô hình hiệu quả về bảo vệ môi trường trong trường học đã được tiếp tục duy trì và từng bước nhân rộng và nhiều chương trình đã thành thân quen như: “Chương trình 3T trong trường học”, Chương trình Truyền thông học đường về bảo vệ môi trường, Cuộc thi “Sức sống mới từ phế thải”… Nhiều trường đã chủ động và tích cực triển khai các chương trình, dự án BVMT, giáo dục và truyền thông về BVMT phù hợp với điều kiện nhà trường.
Đặc biệt, trong năm 2018, với chương trình xây dựng Trường học Xanh, các trường đã hưởng ứng rất nhiệt tình với nhiều mô hình và cách làm hay. Sở TN&MT đã phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá, quyết định khen thưởng 28 trường đạt kết quả xuất sắc trong xây dựng Trường học Xanh năm 2018, khen tặng 9 cá nhân và 10 tập thể có đóng góp tích cực cho công tác giáo dục và truyền thông về BVMT trong trường học địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2018; đồng thời, đề xuất UBND thành phố trao tặng Giải thưởng Môi trường TP.HCM cho 4 tập thể và 5 cá nhân của ngành Giáo dục có thành tích xuất sắc trong năm 2018.
Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT rà soát các tài liệu truyền thông cần cập nhật, bổ sung, đặc biệt, nội dung chống rác thải nhựa; xây dựng kế hoạch phối hợp về công tác BVMT giai đoạn tiếp theo trên cơ sở Chương trình phối hợp số 01/CTrPH-BTNMT-BGDĐT về công tác BVMT giữa Bộ TN&MT và Bộ GD&ĐT giai đoạn 2019 - 2025.
Ngoài ra, Sở TN&MT TP.HCM sẽ phát huy, nhân rộng kết quả đã đạt được của việc phát động các trường trên địa bàn thành phố triển khai các giải pháp tổng hợp về BVMT theo Bộ tiêu chí Trường học Xanh.