Nhiều tổ hợp xấu tác động gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan

Tuyết Chinh| 29/04/2020 15:21

(TN&MT) - Sự xuất hiện nhiều tổ hợp thời tiết xấu ảnh hưởng, cùng lúc đó là khối không khí lạnh, hội tụ gió trên mực 5000m kết hợp với nhau gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa đá diện rộng; đợt rét lịch sử trong vòng 50 năm trở lại đây vừa xuất hiện ngày 22-23/4.

Cẩn trọng các đợt không khí lạnh lúc giao mùa

Những tháng đầu năm 2020 nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm đã diễn ra. Ví dụ như mưa đá; ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, tình trạng nắng nóng, oi bức đã xuất hiện nhưng cuối tháng 4 lại diễn ra đợt rét lịch sử trong vòng 50 năm trở lại đây.

Từ đầu năm đến nay, dông lốc, sét, mưa đá, mưa lớn xảy ra nhiều đợt, trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Ảnh minh họa

Lý giải nguyên nhân của các hiện tượng thời tiết cực đoan kể trên, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, một phần do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan có nguy cơ xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đối với các đợt mưa đá diện rộng, đợt rét sau ngày 20/4 - đợt rét lịch sử trong 50 năm qua ở Hà Nội một phần nữa là do có tác động của nhiều tổ hợp thời tiết xấu ảnh hưởng, cùng lúc đó là khối không khí lạnh, hội tụ gió trên mực 5000m kết hợp với nhau gây ra.

Ông Hưởng dự báo, trong khoảng từ nay đến hết tháng 5 còn khoảng 2-3 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta, nhưng cường độ của các đợt này là không mạnh như đợt ngày 22-23/4 vừa rồi. Do vậy, ít có khả năng gây rét sâu ở Bắc Bộ như trong đợt vừa qua.

“Tuy nhiên, các đợt không khí lạnh trong giai đoạn giao mùa này khi di chuyển xuống nước ta thường tranh chấp với khối không khí nóng ẩm và hay gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh”, ông Hưởng cảnh báo.

Đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm

Nhận định xu hướng nắng nóng năm 2020 ở nước ta, ông Hưởng cho biết, như Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã thông báo, 5 năm gần nhất có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất trong 140 năm qua, cụ thể chuẩn sai nhiệt độ trung bình tuần tự các năm như sau:  2015 cao hơn 0.87 độ,  2016 cao hơn 1.04 độ,  2017 cao hơn 0.93 độ,  2018 cao hơn 0.78 độ,  2019 cao hơn 0.99 độ.

Có thể nói, năm nóng nhất là năm 2016 và năm nóng thứ 2 là năm 2019. Tính trung bình thì cả 5 năm gần nhất có xu hướng cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được từ năm 1880 đến nay.

Với bối cảnh nóng lên toàn cầu như đang xay ra, ông Hưởng cho biết, năm nay cũng được nhận định là một năm có nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Cụ thể, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc từ đầu năm đến nay đều cao hơn sơ với trung bình nhiều năm từ 1.0 đến 2.5 độ, có nơi cao hơn đến 3 độ.

Dự báo, nhiệt độ trung bình từ tháng 5-10/2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ. Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ tháng 5-6 ở Bắc Bộ, từ tháng 5-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

“Chúng tôi nhận định, các đợt nắng nóng năm nay vẫn có khả năng xảy ra có cường độ gay gắt nhưng khả năng không gay gắt như các đợt nắng nóng trong năm 2019”, ông Hưởng cho hay.

Với tình trạng như vậy, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia dự báo, mùa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2020 có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Cụ thể, sẽ có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và khoảng 5-6 cơn trong số đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cao điểm của mùa bão năm 2020.

Theo chuyên gia khí tượng thủy văn, cần đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá, đặc biệt là thời kỳ giao mùa từ tháng 4 đến nửa cuối tháng 5/2020 trên phạm vi toàn quốc.

Trong khi đó, mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ đến muộn vào khoảng cuối tháng 5. Cùng với đó đề phòng gió mạnh trên biển do tác động gió mùa Tây Nam vào thời kỳ tháng 6-8/2020 ở các vùng biển phía Nam Biển Đông.

Lượng mưa có xu hướng thấp hơn đến xấp xỉ với trung bình nhiều năm trong những tháng đầu mùa, nhưng khả năng sẽ có xu hướng cao hơn vào những tháng cuối mùa ở các tỉnh miền Trung và phía nam (từ khoảng tháng 9 đến những tháng cuối năm). Do vậy, cần đề phòng các đợt mưa lớn, có thể gây nguy cơ lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất đá ở các nơi xung yếu tại vùng núi phía bắc và khu vực Trung Bộ, ngập úng ở những nơi trũng thấp trong thời kỳ mùa mưa tren các khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tổ hợp xấu tác động gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO