Biển đảo

Nhiều tỉnh chưa quan tâm đúng mức các Khu Bảo tồn Biển, Vườn Quốc gia

Theo Báo Pháp luật TP.HCM 23/12/2023 19:01

Hầu hết các Ban quản lý Vườn quốc gia, Khu Bảo tồn Biển chưa trình ban hành đề án phát triển du lịch sinh thái.

Ngày 23-12, tại TP Hội An (Quảng Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn (NN&PTNN) phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị Bảo vệ và phát triển nguồn lợi Thủy sản – vì Ngành Thủy sản xanh và phát triển bền vững.

Chưa hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp

Theo Cục Kiểm ngư, về cơ bản các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện khá tốt các quy định pháp luật về quản lý bảo tồn biển và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đồng thời, đã tổ chức nghiên cứu trồng phục hồi san hô, bước đầu sinh sản nhân tạo các loài nguy cấp quý hiếm.

khu bảo tồn biển
Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Tuy nhiên, hầu hết các Ban quản lý Khu bảo tồn biển (KBTB), Vườn quốc gia (VQG) có hợp phần biển chưa trình ban hành Đề án phát triển du lịch sinh thái, như: Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý sơn, Vịnh Nha Trang, Phú Quốc.

Gần như UBND các tỉnh chưa chỉ đạo bố trí lực lượng kiểm ngư tại các KBTB để tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật tại các KBTB.

Chưa có chính sách để hỗ trợ cộng đồng ngư dân sống trong và xung quanh KBTB chuyển đổi nghề từ đánh bắt, khai thác nguồn lợi hải sản gần bờ sang các nghề khác, nhằm giảm áp lực lên KBTB.

khu-bao-ton-bien-kiem-ngu-7570.jpg
Lực lượng Kiểm Ngư thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Các tỉnh chưa ưu tiên bổ sung nguồn lực về con người, kinh phí cho Ban quản lý KBTB để thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm.

Tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch – dịch vụ vi phạm các quy định quản lý KBTB như: lấn chiếm, xây dựng công trình hạ tầng trái phép trong phạm vi KBTB, VQG; tổ chức dịch vụ du lịch trái phép trong KBTB đang ngày càng diễn biến phức tạp, gây áp lực lớn đến công tác quản lý tại các VQG/KBTB ở VQG Phú Quốc, Vịnh Nha Trang.

Có sự chênh lệch rất lớn về tổng số vụ vi phạm được phát hiện và xử lý tại các KBTB và VQG. Các KBTB, VQG làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, số vụ vi phạm tăng (Côn Đảo, Cù Lao Chàm) so với các KBTB/VQG còn yếu trong công tác tuần tra, kiểm soát như Lý Sơn, Bạch Long Vĩ.

Thiếu kinh phí, nguồn lực

Cục Kiểm ngư xác định nhiều khó khăn hạn chế đang diễn ra như việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ quản lý và phát triển hệ thống KBTB tại Việt Nam còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Việc thành lập khu bảo tồn biển trên phạm vi toàn quốc, việc quy hoạch, thành lập đưa vào hoạt động các KBTB tại địa phương chậm so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, tổ chức bộ máy quản lý KBTB ở các tỉnh chưa ổn định, cơ cấu tổ chức, bộ máy của BQL KBTB chưa có sự thống nhất ở các địa phương.

Các tỉnh bị khống chế về số lượng chỉ tiêu biên chế trong điều kiện phải quản lý diện tích biển khá rộng và phức tạp. Dẫn đến các BQL KBTB hiện nay đang thiếu nguồn nhân lực để có thể triển khai tốt các nhiệm vụ được giao.

khu-bao-ton-bien-cu-lao-cham-5505.jpg
Ông Lê Vĩnh Thuận, Phó Giám đốc BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) chia sẻ ý kiến. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Nói về việc chưa trình ban hành đề án phát triển du lịch sinh thái, ông Lê Vĩnh Thuận, Phó Giám đốc BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) cho biết, BQL xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, nhằm giúp KBTB định hướng hợp lý đối với hoạt động du lịch tại Cù Lao Chàm. Mặt khác, đề án ban hành sẽ giúp KBTB quản lý chủ động và hiệu quả trên lĩnh vực du lịch.

Từ năm 2020 đến nay, BQL đưa hoạt động này trong kế hoạch hành động hàng năm với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 500 triệu đồng. Trong đó kêu gọi từ nguồn dự án cơ hội 50% và đối ứng từ nguồn thu phí tham quan 50%.

"Do dịch COVID-19, nguồn thu của BQL chưa đảm bảo. Mặt khác một số dự án cơ hội ít ưu tiên với hoạt động này nên đến nay BQL vẫn chưa triển khai. Đề án sẽ được BQL xây dựng trong Kế hoạch quản lý 5 năm giai đoạn 2024 - 2028", ông Thuận nói.

khu-bao-ton-bien-con-dao-4507.jpg
Du khách thích thú với công việc bảo tồn Rùa biển tại Côn Đảo. Ảnh: MT.

Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc VQG Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng cho rằng, việc thành lập Khu Bảo tồn biển cũng như thể chế, quy chế cho một KBTB phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của địa phương và các BQL Khu bảo tồn.

VQG Côn Đảo từ năm 1993 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác lập VQG Côn Đảo có hai hợp phần là Khu bảo tồn rừng và Khu bảo tồn biển.

Từ năm 1993 đến nay, VQG đã làm phương án Quản lý rừng bền vững, Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cho VQG Côn Đảo, trong đó có đề cập tới KBTB.

Đề án quản lý khu Ramsar biển, Đề án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí VQG Côn Đảo đến năm 2030 và các quy chế quản lý, quy chế hoạt động và triển khai trên thực địa thuận lợi.

Những đề án trên dựa trên cơ sở của các Luật Thuỷ sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Môi trường, Luật Đa dạng sinh học để đưa ra các quy chế hoạt động cho KBTB.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tỉnh chưa quan tâm đúng mức các Khu Bảo tồn Biển, Vườn Quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO