“Cửa đã mở” nhưng còn nhiều “khóa”!
Theo ông Nguyễn Văn Tốn - Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết, trong đó, vấn đề tập trung tích tụ ruộng đất luôn được quan tâm và chỉ đạo.
Bên cạnh đó, vấn đề dồn điền, đổi thửa được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Một số địa phương quyết liệt, tích cực đã phát động, tổ chức nhân dân dồn điền, đổi thửa, giải phóng nguồn lực đất đai, nâng hiệu quả kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp Giấy chứng nhận, hướng dẫn chứng nhận tài sản trên đất nông nghiệp. Trong đó, bao gồm sản tài hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng…
Chính sách đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường đất nông nghiệp |
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nói chung, trong thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp nói riêng.
Thực tế đã có nhiều mô hình và phương thức thực hiện có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Chính sách, pháp luật khuyến khích, hỗ trợ đã bước đầu thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần quan trọng trọng việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất linh hoạt, đặc biệt là các quy định liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây hàng năm trên đất trồng lúa đã góp phần nâng cao được hiệu quả sản xuất đất nông nghiệp. Việc hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy chứng nhận đối với đất nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đất đai tham gia vào thị trường, là yếu tố quan trọng để thúc đẩy, tích tụ, tập trung đất đai.
Tuy vậy, hiện vẫn còn một số hạn chế trong quá trình tập trung tích tụ, đất đai, ví dụ như còn một số quan điểm còn khác nhau về vấn đề này. Chẳng hạn như: về tổ chức thực hiện còn có hạn chế. Tại một số dự án chưa đảm bảo mục đích tập trung ruộng đất là để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, không được lách luật để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, như chuyển thành khu đô thị hay khu, cụm công nghiệp, thực tiễn, đã có xảy ra hiện tượng này.
Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp tại các địa phương chậm kiện toàn; năng lực cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu, lực lượng cán bộ, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập và hoạt động, tuy vậy, nhiều địa phương không quan tâm, thậm chí, có nơi không dành kinh phí, cũng như bố trí nguồn nhân lực. Do vậy, đã kìm hãm vai trò của tổ chức phát triển quỹ đất trong việc tạo quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng chưa thực sự hiệu quả, chưa chuẩn bị được nhiều quỹ đất để phục vụ đầu tư phát triển gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Chưa kể, thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng về góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, chưa phân biệt được góp vốn bằng quyền sử dụng đất và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, chưa có khung pháp lý về chính quyền thuê đất của người dân để cho doanh nghiệp thuê lại. Điều này tạo ra rủi ro cao cho doanh nghiệp khi hộ cho thuê đòi lại đất hoặc xảy ra mâu thuẫn khiếu kiện dẫn đến không thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư.
Ngoài ra, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp còn chưa theo kịp tình hình; thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp còn sơ khai, thiếu minh bạch, chưa hấp dẫn, thậm chí có xu hướng giảm…
Tháo gỡ bằng chính sách
Để phát triển thị trường đất nông nghiệp, ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, trước hết, cần hoàn thiện hệ thống đăng ký đất đai. Trong đó, sẽ hoàn thiện, cập nhật hệ thống đăng ký đất đai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tích hợp, thống nhất trên cả nước; xây dựng hệ thống thông tin thị trường đất nông nghiệp minh bạch, hiện đại hóa…
Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, đảm bảo để tổ chức phát triển quỹ đất hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; thực hiện các chức năng cung cấp thông tin, cân đối cung cầu, kích thích và hoàn thiện thị trường; xây dựng cơ chế, tổ chức hỗ trợ xử lý tranh chấp giao dịch đất nông nghiệp, hợp đồng nông sản.
“Còn nhiều vướng mắc trong việc phát triển thị trường đất nông nghiệp như: còn hạn chế đối tượng giao dịch, chỉ được chuyển đổi, chuyển nhượng khi có Giấy chứng nhận; chỉ được chuyển đổi đất trong cùng một xã, phường, thị trấn; đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thuê đất nông nghiệp trực tiếp với các hộ dân.”
Ông Nguyễn Trung Kiên -
Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT
Nên bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng, bỏ thuế vượt hạn điền và thay bằng đánh thuế tài nguyên đối với đất nông nghiệp; bỏ thời hạn giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, thay vào đó là giao đất sản xuất ổn định lâu dài cho người dân.
Ngoài ra, cần nâng thời hạn thuê đất công ích của xã từ 5 năm lên 20 năm để khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn; xem xét giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giao dịch đất nông nghiệp; xây dựng cơ chế giám sát việc tính giá trị đất đai và phân chia lợi tức theo luật định của doanh nghiệp đối với các hộ nông dân góp quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp.