Nhiều phát hiện mới tại di tích Champa Phong Lệ - Đà Nẵng

21/08/2018 12:47

(TN&MT) - Ngày 21/8, tại Cổ Viện Chàm, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng phối hợp với Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã tổ chức buổi Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Champa Phong Lệ năm 2018.

1. Một số di vật được phát hiện tại cuộc khai quật Phong Lệ 2018
Một số di vật được phát hiện tại cuộc khai quật Phong Lệ 2018

Khu di tích Chăm Phong Lệ thuộc tổ 4, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Tháng 3/2011, người dân đào móng làm nhà đã phát hiện 3 tác phẩm điêu khắc bằng đá và một mảng móng tường gạch cổ. Ngay sau đó, đoàn Khảo cổ được thành lập bởi Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội khai quật khẩn cấp khu di tích với diện tích 206m2.

Tháng 7-8/2012, đoàn Khảo cổ tiếp tục khai quật lần thứ 2 với diện tích 275,5m2. Cuộc khai quật đã làm xuất lộ gần như toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của một tòa tháp Champa rất lớn. Để cung cấp thêm luận cứ khoa học cho việc lập dự án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Phong Lệ, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tiến hành khai quật khảo cổ di tích Phong Lệ theo Quyết định số 2100/QĐ-BVHTTDL ngày 6/6/2018 với diện tích khai quật 308m2.

2. Tượng sư tử (Simha) được khai quật còn khá nguyên vẹn
Tượng sư tử (Simha) được khai quật còn khá nguyên vẹn

Theo báo cáo kết quả khai quật năm 2018, di vật được phát hiện tại di tích Phong Lệ bao gồm các loại gạch ngói và trang trí kiến trúc bằng đá cát của người Champa, gốm sứ thời Tống của Trung Quốc...

Gạch phần lớn có hình chữ nhật và một số tiêu bản gạch nêm chốt dạng thỏi, hình thang được dùng trong việc xây dựng trụ ốp cửa và vòm cuốn. Kiểu hoa văn trang trí trên gạch ở Phong Lệ có nhiều điểm tương đồng với trang trí tại những đền tháp thuộc phong cách A1 ở Mỹ Sơn và đền tháp Khương Mỹ (Quảng Nam). Ngói có dạng phẳng, mũi nhọn được làm từ đất sét mịn hoặc đất sét pha cát có hai màu trắng xám và đỏ gạch.

Ngoài ra, đã phát hiện 23 di vật đá, trong đó chủ yếu là tượng động vật như tượng tròn sư tử (Simha), bệ trụ có điêu khắc voi, trang trí trên diềm  mái như tượng rắn (Naga), chim thần (Garuda), tai lửa, người cầu nguyện...

3. Các chuyên gia đang xem xét các cổ vật
Các chuyên gia đang xem xét các cổ vật

Cuộc khai quật di tích Phong Lệ lần thứ 3 năm 2018 đã có nhiều phát hiện mới và giải mã một số nhận thức chưa được chứng minh trong các đợt khai quật trước đây. Với những phát hiện mới đó, nhận thức hiện nay về khu di tích tháp Phong Lệ như là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Phong Lệ có khả năng được quy hoạch với các cấp nền khác nhau, một đền tháp chính ở trung tâm với vùng ngoại vi, lối vào qua kiến trúc Cổng, có thể có một số công trình phụ như nhà dài trước Cổng , tháp Hòa hoặc đền tháp phụ ở trong tường bao gần đền tháp chính...

Kết quả khai quật Phong Lệ năm 2018 đã làm rõ một phần bình đồ kiến trúc tổng thể đền tháp với những đặc trưng kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc tín ngưỡng của người Champa giống như hàng chục đền tháp đã phát hiện trên dải đất miền Trung Việt Nam. Dựa vào các hoa văn trang trí trên gạch và một số đặc điểm trên các di vật đá các nhà nghiên cứu đã xếp di tích Phong Lệ vào niên đại khoảng đầu thế kỷ 10.

Kết quả khai quật Phong Lệ 2018 đã từng bước làm rõ hơn về cấu trúc mặt bằng một số công trình kiến trúc, song đồng thời cũng đặt ra một số vấn đề về công tác trùng tu, bảo tồn và tiếp tục khai quật trong thời gian đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều phát hiện mới tại di tích Champa Phong Lệ - Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO